Việc sử dụng xe buýt thay vì các phương tiện giao thông cá nhân đương nhiên là một giải pháp quan trọng hàng đầu để giảm ùn tắc tại Hà Nội và TPHCM.
Nhưng đó hoàn toàn không phải là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại hai TP lớn nhất nước. Ai cũng thấy rằng giải bài toán giao thông ở Hà Nội và TPHCM phải cần một giải pháp tổng thể, từ hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đi đôi với tăng phương tiện giao thông công cộng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị...
Vì thế, Bộ trưởng Đinh La Thăng hay toàn thể cán bộ, nhân viên ngành giao thông có đi xe buýt, nhất là mới chỉ có 1 lần/tuần, cũng chẳng khác nào chỉ là một tiếng trống nhỏ nhoi, lọt thỏm giữa vô vàn tiếng ầm ào của triệu triệu phương tiện giao thông trên những đường phố chật hẹp tại Hà Nội và TPHCM.
Bộ trưởng và nhân viên ngành giao thông vận tải đi xe buýt chỉ có thể tạo ra một hiệu ứng tích cực, một cú hích làm tiền đề nhằm thay đổi hành vi của xã hội. Hiệu ứng tích cực ban đầu rất có thể dần mai một nếu không tạo được sự biến chuyển thật sự trong cả tư duy và hành động. Mà muốn có điều này thì một công văn, dù có đóng dấu hỏa tốc hay lời kêu gọi tha thiết là hoàn toàn chưa đủ mà cần phải quyết liệt, kiên trì xây dựng và thực hiện giải pháp tổng thể đối với vấn đề giao thông đô thị tại Hà Nội và TPHCM.
Còn nhớ, cách đây hơn 6 năm, tỉnh Quảng Nam từng hào hứng với giải pháp công chức bỏ xe công, đi làm bằng xe buýt trên tuyến Đà Nẵng-Tam Kỳ song chỉ chưa đầy 2 tháng sau đã phá sản.
Chất lượng xe buýt, đường sá đô thị... không được cải thiện thì có thể một ngày nào đó chính Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng có thể cảm thấy “oải” mỗi khi bước chân lên phương tiện này. Lúc đó, chỉ lo một chủ trương, việc làm đúng và tích cực lại rơi vào cảnh “đánh trống bỏ dùi”.
Bình luận (0)