Văn bản nêu rõ: Ông Đỗ Trung Tá, Ủy viên Trung ương Đảng - đại biểu Quốc hội - Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông với tư cách là Chủ tịch HĐQT VNPT thời kỳ từ 1995 đến tháng 12-2002 và Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông từ tháng 12-2002 đến nay, đồng thời phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của VNPT, phải cùng lãnh đạo VNPT kiểm điểm về những khuyết điểm này. Tuy kết luận thanh tra chưa phát hiện có tham nhũng, tiêu cực nhưng với trách nhiệm là Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Ban Cán sự Đảng - Chủ tịch HĐQT VNPT, ông Tá phải nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những việc VNPT thực hiện không đúng các quy định, quy chế của Nhà nước.
3/10 vấn đề chưa thống nhất
7/10 vấn đề Thanh tra Chính phủ kết luận đã được làm rõ và có sự thống nhất về cơ bản giữa Thanh tra Chính phủ và ý kiến các bộ, ngành. Có 3 vấn đề chưa có sự thống nhất là: Việc đấu thầu dự án nâng cấp mạng thông minh phục vụ thuê bao trả trước của VinaPhone (hệ thống IN); việc điều chỉnh tỉ lệ phân chia trong hợp đồng hợp tác kinh doanh với nước ngoài (BCC) giữa VNPT với hãng Kinnevic/Comvik (CIV- Thụy Điển); giá cước viễn thông và việc sử dụng vốn đầu tư của VNPT. Ngày 18-10, sau khi chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã kết luận về 3 vấn đề nêu trên và một số vấn đề khác.
Sai do trình độ, năng lực
Thủ tướng kết luận ở hầu hết các dự án được thanh tra cho thấy: Công tác tư vấn đầu tư tại VNPT đã không làm hết nội dung và phạm vi công việc, áp tính phí thiết kế không đúng, chất lượng tư vấn thiết kế thấp. Trình tự thủ tục các bước của công tác khảo sát lập dự án, khảo sát thiết kế, thiết kế kỹ thuật và giám định tác giả chưa được thực hiện đầy đủ. Thủ tướng cho rằng những sai phạm này chủ yếu là về trình tự, thủ tục và do trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, chưa phát hiện có tham nhũng, tiêu cực, VNPT cũng đã tiếp thu, khắc phục. VNPT phải “nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh công tác này”.
Hợp tác kinh doanh: Hai bên đều lợi
Về dự án đầu tư nâng cấp hệ thống chuyển mạch để có tính năng mạng thông minh phục vụ thuê bao trả trước mạng VinaPhone giai đoạn 2001-2002 với tổng vốn đầu tư 147,47 tỉ đồng, HĐQT VNPT chọn nhà thầu Ericsson trúng thầu là “sai trình tự, thủ tục quy chế đấu thầu”. Tuy nhiên, chưa có căn cứ để xác định có lãng phí, thiệt hại và cũng chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Dự án hợp đồng, hợp tác kinh doanh giữa Công ty Thông tin di động VMS thuộc VNPT với hãng CIV của Thụy Điển, cụ thể là tỉ lệ phân chia giữa 2 bên là 50-50, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc chia tỉ lệ này sẽ làm thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho phía VN. Nhưng qua xem xét, Thủ tướng đã đồng ý với đánh giá của đoàn thẩm định liên ngành là việc hợp tác khiến hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho cả hai bên và phía Việt Nam có lợi nhiều hơn, đối tác tăng thêm 75 triệu USD ngoài vốn cam kết trong hợp đồng.
Giao thầu cho con rể gây phản ứng nội bộ
Thủ tướng yêu cầu VNPT kiểm điểm việc đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu vật tư thiết bị chưa làm hết công việc mà VNPT vẫn cho hưởng hết số tiền phí ủy thác là không đúng chế độ, làm tăng giá trị công trình. HĐQT VNPT giao cho Trung tâm Công nghệ Thông tin (CDIT) - một đơn vị không phải thành viên trực tiếp của VNPT- thực hiện 5 gói thầu với dự toán 11,8 tỉ đồng, nhưng lại ghép trong dự án đầu tư “mạng máy tính phục vụ quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh cho 17 bưu điện tỉnh, TP” là việc làm trái quy định. Giám đốc CDIT là con rể ông Đỗ Trung Tá, lúc đó là chủ tịch HĐQT VNPT, nên việc giao thầu không đúng quy định trên đã gây phản ứng chính trong nội bộ của VNPT. Mặc dù sau khi sự việc bị phát hiện, VNPT đã hủy bỏ các gói thầu với CDIT, nhưng Thủ tướng vẫn yêu cầu chủ tịch HĐQT VNPT nghiêm khắc kiểm điểm và chấn chỉnh.
Ngoài ra, VNPT phải thực hiện nghiêm chỉnh việc xử lý các khoản phải nộp vào ngân sách: Nộp ngân sách 66 tỉ đồng, hạch toán tăng vốn ngân sách Nhà nước tại VNPT gần 6,92 tỉ đồng.
Bình luận (0)