Diễn biến dịch sởi đã “nóng” từ nhiều tuần trở lại đây nhưng phải đến chiều 18-4, sau 4 tháng dịch sởi diễn ra một cách bất thường, Bộ Y tế mới lần đầu tiên tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về dịch bệnh này. Rất nhiều vấn đề còn nhiều “ẩn khuất” trong thời gian qua như việc công bố dịch, số tử vong cao bất thường... đã phần nào được giải đáp. Tuy nhiên, trước nhiều câu hỏi về mức độ nghiêm trọng của dịch sởi, lãnh đạo Bộ Y tế “né” trả lời.
“Chưa đến mức công bố dịch”
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khi trả lời các câu hỏi về việc tại sao không công bố dịch và liệu Bộ Y tế có giấu dịch hay không? Ông Long nói: “Tôi khẳng định đã và đang có dịch sởi. Trong các văn bản chỉ đạo, các công điện của Bộ Y tế về bệnh này từ cuối năm ngoái đến nay đều ghi là dịch. Bộ Y tế không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch”.
Lý giải về việc không công bố dịch, ông Long cho biết theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, chỉ cần 1 ổ dịch có 3 người nghi ngờ mắc sởi, trong đó có 2 ca chắc chắn là sởi, thì đã được coi là “có dịch” và địa phương phải triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng chống. “Công bố dịch” là ở mức độ cao hơn khi dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát của tỉnh - thành, có biến đổi độc lực cao, nguy hiểm cho cộng đồng.
“Khi công bố dịch thì sẽ phải triển khai các biện pháp rất cấp bách như đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người, cấm tổ chức hội họp và cưỡng chế cách ly. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - chính trị, sinh hoạt của số đông người dân. Do đó cần phải cân nhắc. Tại thời điểm này, diễn biến của dịch vẫn trong tầm kiểm soát và chưa cần thiết áp dụng các biện pháp trên” - ông Long phân tích
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận có chuyện “nóng về mặt chỉ đạo, lạnh về thực hiện” trong chống dịch sởi thời gian qua, khi tuyến dưới thực hiện chưa ráo riết. Điều này được thể hiện qua việc nhiều địa phương đến thời điểm này tỉ lệ tiêm vét vắc-xin sởi vẫn chưa đạt 50%. Tới đây, từ ngày 19-4, các đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra công tác điều trị, phòng chống dịch sởi tại TP Hà Nội và TP HCM.
Đến ngày 18-4, cả nước đã có 114 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, trong đó có 25 ca được xác định tử vong do sởi. Bộ Y tế thừa nhận dù số mắc sởi năm nay vẫn thấp hơn vụ dịch sởi 2009-2010 nhưng số tử vong lại tăng cao bất thường.
Ào ạt đưa con đi tiêm
Chiều 18-4, TP Hà Nội đã họp chỉ đạo công tác phòng chống dịch sởi. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định dịch sởi ở Hà Nội đang diễn biến phức tạp, số mắc không tăng nhưng cũng chưa giảm, đặc biệt là số ca tử vong chiếm đến hơn 50% tổng ca tử vong do sởi của cả nước. Hiện tại, dù chưa công bố dịch nhưng Hà Nội đã triển khai đầy đủ các giải pháp phòng chống dịch sởi như đã công bố dịch.
Sáng cùng ngày, người dân TP Đà Nẵng ào ạt đưa con đến Trung tâm Y tế dự phòng để tiêm ngừa các loại bệnh, gây nên cảnh tượng rất lộn xộn.
Theo một nhân viên tư vấn tiêm chủng, những ngày trước chỉ có trung bình khoảng 100 đến 200 người đưa con đến tiêm, bây giờ quá tải là do bệnh sởi diễn biến phức tạp nên người dân lo sợ. Trước cửa Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng treo bảng thông báo “Hôm nay tạm hết vắc xin các loại: Thủy đậu (các loại), sởi, quai bị, Infanrix Hexa (6 trong 1)… nhưng nhiều người vẫn chen lấn lấy phiếu vào bàn tư vấn tiêm chủng bệnh sởi.
Tử vong chủ yếu vì lây chéo
Trả lời nghi vấn về “phác đồ điều trị không hiệu quả”, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi trung ương, cho biết nguyên nhân số tử vong do sởi cao chủ yếu là vì lây nhiễm chéo và bội nhiễm. Chính sự quá tải trầm trọng ở BV Nhi trung ương khiến bệnh nhân bị bội nhiễm nhiều loại bệnh cùng lúc dẫn đến tình trạng rất nặng, kháng thuốc kháng sinh xảy ra làm tăng nguy cơ tử vong. PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, nói một trong những nguyên nhân tử vong sởi cao, qua phân tích 25 ca tử vong đầu tiên, là do một số phụ huynh sai lầm trong chăm sóc trẻ bệnh. Với bệnh sởi, 90% tự khỏi, 10% có biến chứng và chỉ 0,18% tử vong. N.Dung
Bình luận (0)