Chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama được chào đón bằng sự cuồng nhiệt, mến khách của hàng vạn người dân Hà Nội, TP HCM. Điều này thể hiện khát vọng hòa bình, hòa giải giữa 2 dân quốc gia vốn là cựu thù lớn đến dường nào.
Nốt buồn Thạnh Phong
Nước Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam như là một thông điệp khép lại hoàn toàn quá khứ đau thương. Không chỉ vậy, hàng loạt các quan hệ về kinh tế, chính trị, các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế cũng đã khẳng định mối quan hệ toàn diện và sâu sắc của 2 đối tác.
Chưa hết, một trường đại học phi lợi nhuận, dạy và nghiên cứu theo tinh thần khai phóng được ra đời tại Việt Nam. Đó là Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
Bà Bùi Thị Nhi, 73 tuổi (giữa) tại mộ của cha mẹ và 3 người cháu gái của bà đã thiệt mạng trong cuộc thảm sát ở Thạnh Phong, Bến Tre, năm 1969. Ảnh: Tư liệu
“Chúng ta cần 20 năm để bình thường hóa quan hệ, 20 năm để từ hàn gắn sang xây dựng quan hệ. Các bạn thử tưởng tượng, chúng ta sẽ còn làm được nhiều điều to lớn hơn thế đến chừng nào trong 20 năm tới…” - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại lễ ra mắt FUV.
Tất cả hết sức tuyệt vời cho một cuộc bang giao cực kỳ tốt đẹp giữa 2 quốc gia. Thế nhưng, vẫn có điều gì đó rất lấn cấn khi mà một nhân vật “quá đặc biệt” là cựu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Nebraska - ông Bob Kerrey đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV. Một nốt trầm rất buồn trong tính khai phóng rất đáng được ủng hộ của FUV và quan hệ tốt đẹp Mỹ - Việt.
Bob Kerrey đã dính líu trực tiếp trong cuộc thảm sát đẫm máu ở Thạnh Phong, Bến Tre năm 1969. Khi ấy, toán lính đặc nhiệm Mỹ, mà Kerey là chỉ huy, đã giết chết ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em không vũ trang.
Cuộc thảm sát Thạnh Phong và Mỹ Lai (Quảng Ngãi, năm 1968) là 2 vết nhơ của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Đến năm 2001, New York Times tung ra loạt bài điều tra dài hơn 11.000 từ về chuyện này, gây rúng động dư luận.
Sau cuộc điều tra này, uy tín của thượng nghị sĩ Kerrey sa sút thảm hại.
Thực tế, Bob Kerrey đã nhận ra lỗi lầm của mình một cách chân thành, cả trước đây và ngay thời điểm hiện tại. Mới đây nhất, trả lời chất vấn của một trang mạng ở Việt Nam, ông Kerrey lại xin lỗi: “Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới”.
Thực tế là như vậy nhưng khi mà bàn tay đã vấy máu, liệu có được rửa sạch, hay máu ở Thạnh Phong đã chìm vào ký ức?
Tại sao chọn Bob Kerrey?
Dư luận đang băn khoăn liệu ông Kerrey có xứng đáng để nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV?
Về mặt công sức, ông Kerrey đã tham gia dự án thành lập FUV từ năm 1991, kêu gọi tài trợ hiệu quả đào tạo cao học ở TP HCM. Đặc biệt, ông đã vận động được từ chính phủ Mỹ tài trợ 20 triệu USD cho FUV và hy vọng sẽ còn có thêm tài trợ nữa.
Ngoài ra, ông cũng là một nhà quản lý giáo dục rất xuất sắc khi tham gia lãnh đạo Đại học Harvard và New School. Các chuyên gia giáo dục liên quan đến dự án thành lập FUV rất tin tưởng vào vai trò của ông Kerrey.
Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) - một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ, chịu trách nhiệm huy động vốn để đầu tư mở FUV, trả lời báo chí Việt Nam cho biết các bên liên quan đã cân nhắc kỹ trước khi chọn Bob Kerrey và tin rằng ông ấy xứng đáng.
Ông Thomas Vallely cũng khẳng định Bob Kerrey là nhà bảo trợ chính cho đạo luật thành lập Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) - tổ chức đã đưa hàng trăm người Việt Nam sang học cao học và tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên tại Mỹ.
Để có một FUV như hôm nay, có công rất lớn của Bob Kerrey.
Theo ông Thomas Vallely, việc lựa chọn một nhân vật gây tranh cãi như Bob Kerrey không gây bất lợi cho FUV mà ngược lại. Nhiều năm qua, Bob luôn thừa nhận trách nhiệm của mình trong tấn thảm kịch kinh khủng ở Thạnh Phong, năm 1969.
Trả lời BBC, Bob Kerrey nói ông được hiệu trưởng FUV Đàm Bích Thủy và những người liên quan đề nghị làm chủ tịch. Ông còn khẳng định: "Tôi chắc chắn là có nhiều người đủ khả năng để làm chủ tịch và tôi sẽ vui lòng rút lui nếu tôi thấy vị trí của tôi ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trường”.
Cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey, Chủ tịch Hội đồng tín thác FUV. Ảnh: NEW YORK TIMES
“MỘT LỜI XIN LỖI SẼ LUÔN LÀ KHÔNG ĐỦ…”
"Một lời xin lỗi sẽ luôn là không đủ. Nó giống như món súp cá mà thiếu con cá vậy. Vì thế, tôi cố gắng giúp người Việt mỗi khi có thể. Như đóng góp chấm dứt đạo luật TWEA (coi Việt Nam như nước thù địch), bình thường hoá quan hệ, ủng hộ đàm phán BTA, và đặc biệt là ủng hộ nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright" - ông Bob Kerrey chia sẻ.
Làm sao quên…!
Có một điều chắn chắn là khi mời Bob Kerry làm chủ tịch Quỹ Tín thác, bà hiệu trưởng Đàm Bích Thủy thừa biết quá khứ của ông. Một điều chắc chắn nữa là Bộ Ngoại giao, Bộ GD-ĐT cũng phải biết. Còn vì sao họ chấp nhận, đó là câu chuyện khác.
Riêng người dân, họ không được lý giải vì sao ông Bob Kerrey từng dính líu đến vụ thảm sát ở Thạnh Phong, nay trở lại Việt Nam không phải để xin lỗi mà làm "chủ tịch" một trường ĐH dạy theo kiểu Mỹ tại Việt Nam. Đó là lý do tại sao từ khi biết quá khứ của cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey, mạng xã hội dậy sóng. Nhiều người đặt câu hỏi và thử tự trả lời: Tha thứ hay tiếp tục thù hận?
Trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã chết vì bom nguyên tử ở Hiroshima trong thế chiến thứ 2, như để chia sẻ với người dân Nhật. Nhưng đâu phải người Nhật nào cũng quên được nỗi ám ảnh kinh hoàng này.
Người Việt Nam chúng ta vốn bao dung, trái tim đủ lớn để tha thứ, vốn rất hiếu khách, mến khách nhưng trong trường hợp Bob Kerrey, không ai đảm bảo rằng ông được yêu mến, dù ông ở cương vị nào đi nữa.
Thực ra, cho đến bây giờ, nhiều người trong chúng ta đã quên hận thù song không phải khi máu đã khô rồi mọi chuyện sẽ qua đi. Phải nhớ đến Mỹ Lai, nhớ đến Thạnh Phong để chúng ta càng yêu quý hòa bình, quý xương máu người Việt đã đổ xuống để có quê hương hôm nay.
Bình luận (0)