Sáng nay 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận cho ý kiến vào dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi).
Mở đầu phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đặt vấn đề qua một số vụ như Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (tỉnh Bình Thuận) và sắp tới là vụ Hàn Đức Long (tỉnh Bắc Giang), các cơ quan tiến hành tố tụng thấy khó khăn vướng mắc nhất trong giải quyết bồi thường oan sai là vấn đề gì?
Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về gia đình ngày 4-11-2013 sau hơn 10 năm tù oan - Ảnh: Nguyễn Quyết
Trả lời câu hỏi này, Chánh án Toà án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích qua các vụ bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén và nhiều vụ khác nữa, cái khó là định lượng để xác định bồi thường. Còn vốn để bồi thường thì không có gì khó khăn, bên Bộ Tài chính sẵn sàng đáp ứng.
"Tuy nhiên, nói về nguồn vốn cũng bị áp lực khác như dư luận xã hội, cũng như trên diễn đàn QH có đặt ra vấn đề là tiền thuế của nhân dân đóng góp không phải là tiền để các cơ quan mang đi bồi thường cho sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân trần.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình dẫn việc các nước như ở Úc có hình thành quỹ để bồi thường, tuy nhiên vấn đề lập quỹ ở nước ta không được các cơ chức năng ủng hộ. "Vấn đề này UBTVQH cần phải cân nhắc, nếu như không giải quyết được việc này thì từ nay về sau vẫn phải chịu áp lực về câu hỏi tiền thuế của dân không phải để đem đi giải quyết bồi thường" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình giãi bày.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, vấn đề khó nữa trong giải quyết bồi thường oan sai là những khoản vận dụng rất dễ, ví dụ như chi phí, tính trên thu nhập tối thiểu của người dân với những ngày bị tù oan. Nhưng có những khoản rất lớn nhưng lại hoàn toàn mang tính định tính không thể định định lượng được, tạo ra sự tùy nghi, ví dụ như tổn hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần gần như khó khăn mang tính ước lệ...
Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác nếu như chúng ta không quy định cụ thể thì rất khó cho các cơ quan trong việc giải quyết bồi thường oan sai.
Ông Bình dẫn ví dụ trường hợp vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, các cán bộ vận dụng bồi thường, khi tiến hành kiểm điểm lại thì tất cả các cơ quan liên quan nói việc vận dụng bồi thường cho ông Chấn không đúng, dẫn tới khoản bồi thường quá cao (7,2 tỉ đồng - PV). Việc này tạo ra chuẩn mực, các trường hợp bồi thường sau người yêu cầu sẽ cho rằng 10 năm tù oan phải bồi thường thế này, 12 năm phải thế kia, 17 năm là mức này...
"Hiện chúng tôi đang chỉ đạo chỗ TAND tỉnh Bình Thuận để bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén, nếu như theo đúng khung quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén là rất hạn chế và nó chênh lệch khá cao so với ông Chấn, mặc dù ông Chấn tù oan 10 năm, còn ông Nén là 17 năm" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Mức bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén (thứ 2 từ phải qua) chênh nhiều so với ông Nguyễn Thanh Chấn - Ảnh: Duy Cường
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Lê Thị Nga, ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao, nói: "Trả lời câu hỏi của chị Nga cái gì khó nhất trong quá trình triển khai bồi thường, qua thực tế giải quyết thì thấy đó là căn cứ tính chi phí thiệt hại để tính mức bồi thường nên khi thương lượng rất khó vì không có "barem" gì cụ thể cả, ông thì đòi mà ông thì chối, cần đưa vào luật cái gì tính cứng, cái gì thiệt hại ở những thứ vô hình như gia đình tan nát, sức khoẻ suy sụp, công việc đã mất… làm sao có hoá đơn được. Vậy cần có "barem" tương đối để cơ quan đi đàm phán dễ thương lượng, thảo luận hơn với người được bồi thường.
Ông Lê Hữu Thể thừa nhận oan sai là vấn đề rất nhức nhối và xã hội, bây giờ thấy nhức nhối hơn xưa rất nhiều. Thực tế các cơ quan đều cố gắng và số án oan đã giảm xuống rất nhiều.
Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể, vấn đề bồi thường và bồi hoàn là cán bộ thay mặt nhà nước để làm thì “con dại cái mang”, cơ quan công quyền phải đền là đúng rồi chứ vì có phải người ta làm việc nhà mình đâu mà phải bỏ tiền tự đền.
"Còn nếu xác định cố ý làm trái dẫn đến sai như vậy thì phải tự bỏ tiền túi ra tiền là đúng. Còn vấn đề như trình độ kém, nhận thức chưa tới mà gây oan sai thì nên áp dụng biện pháp khác như chuyển công tác nơi khác, hạ bậc lương, không bổ nhiệm lại… vì có những vấn đề rất phức tạp, nhiều cơ quan cãi nhau suốt cả năm còn chưa ra đừng nói đến việc 1 cá nhân sai sót"- ông Thể giải trình.
Tuy nhiên, theo đại diện VKSND Tối cao, cơ quan nào ra quyết định cuối cùng thì cơ quan đó đứng ra thay mặt nhà nước thực hiện việc bồi thường.
"Nhưng xác định trách nhiệm thì phải từ ông đầu tiên trở đi chứ không để người cố gắng đá quả bóng khỏi chân mình là xong, ngồi đó cười xem người khác xử lý. Cái đó không ổn và chính việc đó dẫn đến sự nặng nề trong bồi thường oan sai"- ông Thể kiến nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng luật phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp quy định, đồng thời đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan tư pháp. Một người bị tù oan thì cả dòng họ, con cái của họ bị thiệt hại rất nặng chứ đâu phải bản thân họ. Do đó, bồi thường không chỉ đối với bản thân người bị oan, mà còn phải bồi thường cho vợ con họ, những người chịu thiệt hại do người thân của mình vướng vào vòng lao lý oan.
Bà Nga phân tích chứng minh thiệt hại cần có quy định cụ thể, tương đối, bởi vì nếu cứ buộc người ta có hóa đơn, chứng từ thì người ta sẽ không đáp ứng hết được. Xác định lỗi cụ thể của người có trách nhiệm như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để yêu cầu họ bồi hoàn cho ngân sách nhà nước. Khoản bồi hoàn này cũng phải xứng đáng để họ có trách nhiệm hơn.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng đa số ý kiến đại biểu QH tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, theo đó quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong ba lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án Cơ quan nào ra quyết định oan sai sau cùng thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm xin lỗi, bồi thường cho dân.
Còn trách nhiệm liên đới thuộc những cơ quan nào, cá nhân nào thì sau đó xác định rõ và xác định mức bồi hoàn cho ngân sách nhà nước. Ví dụ, cơ quan điều tra đã ra kết luật điều tra mà sau đó viện kiểm sát hủy quyết định điều tra thì cơ quan điều tra phải bồi thường. Người bị oan có quyền lựa chọn được yêu cầu thỏa thuận bồi thường hoặc khởi kiện ra tòa. Tiền để bồi thường được lấy từ ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)