xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bới tung rừng tìm sâm đất

Bài và ảnh: KIM NGUYÊN

Mỗi ngày, hàng trăm lượt người đổ xô vào các khu rừng phòng hộ ở Bạc Liêu để đào bới, săn lùng sâm đất làm chết nhiều vạt rừng. Đối với họ, việc kiểm tra, xử lý của lực lượng kiểm lâm và chính quyền sở tại không quan trọng bằng việc tìm sâm đất

Bạc Liêu có trên 4.000 ha rừng phòng hộ, tạo nên những cánh rừng ngập mặn chạy xuyên suốt từ thị xã Bạc Liêu đến huyện Đông Hải với chiều dài trên 50 km.

Ngoài chức năng phòng hộ, những vạt rừng này hiện đang nuôi sống hàng ngàn người. Họ là dân nghèo, không đất, không tư liệu sản xuất. Nghề duy nhất mà họ biết là vào rừng, bới tung tất cả lên để tìm sâm đất đổi gạo.

img
Người dân đào sâm đất trong rừng phòng hộ ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu

Nguồn sống dưới... gốc cây rừng


Hiện nay, rừng đang mùa sinh trưởng, phát triển mạnh. Nhìn từ bên ngoài, những vạt rừng phòng hộ xung yếu kéo dài từ thị xã Bạc Liêu đến huyện Hòa Bình, Đông Hải (thuộc tỉnh Bạc Liêu) tạo thành một thảm xanh.

Thế nhưng khi vào tận bên trong mới phát hiện thảm xanh này đang bị tàn phá. Từng bãi đất trống đã bị người dân cày nát. Những gốc cây rừng bị bật tung rễ nằm ngổn ngang chờ chết.
 
Đó là hậu quả của việc khai thác sâm đất trái phép kéo dài, làm cho rừng phòng hộ ven biển của Bạc Liêu bị tàn phá cục bộ, gây tổn hại nghiêm trọng đến việc bảo vệ môi trường, sinh thái.

Mỗi ngày, hàng trăm lượt người đổ xô vào các khu rừng này để đào bới, săn lùng sâm đất. Đối với họ, việc kiểm tra, xử lý của lực lượng kiểm lâm và chính quyền sở tại không quan trọng bằng việc tìm sâm đất. Vì vậy, họ phải lật tung những gốc cây này lên để tìm... nguồn sống cho bản thân và gia đình.


Trong vai người tìm mua sâm đất, chúng tôi hòa vào dòng người săn loại đặc sản này tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Em Thạch Sơn, 13 tuổi, hăng hái dắt tôi len lỏi qua những tán rừng mỏng manh, vào sâu bên trong để chứng kiến cảnh săn lùng sâm đất.

Hàng chục người đang hì hục dùng leng bới những gốc cây mắm đang trưởng thành. Khi gốc cây đã bị lật tung lên, họ xúm vào săm soi, tìm từng con sâm đất ẩn mình trong rễ cây.

Thạch Sơn cho biết muốn tìm được một ký sâm đất, họ phải đào tung khoảng 10 gốc cây rừng. Một người đào giỏi, mỗi ngày, có thể kiếm được trên 10 kg.


Nghe em Thạch Sơn hồn nhiên kể về việc đi tìm sâm đất để đổi gạo mà tôi nghe mặn đắng trong lòng. Phần thương cho mảnh đời cơ cực, phần thương cho những cây rừng này sẽ không còn được bám sâu vào lòng đất để vươn mình nghe tiếng sóng biển vỗ về.


Khó xử lý


Đó là nhận định của đa số người có trách nhiệm tại Bạc Liêu khi nói đến nạn phá rừng để tìm sâm đất. Ông Trần Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A, bức xúc cho biết:  “Mỗi năm, có hàng trăm lượt người vào rừng để tìm sâm đất. Điều này ai cũng biết nhưng không thể quản lý và xử phạt được vì đa số họ là dân nghèo. Nếu phát hiện, chỉ có thể tịch thu dụng cụ rồi cũng cho người vi phạm về vì họ không có tiền đóng phạt”.

Hình thức duy nhất được áp dụng là nhắc nhở, tuyên truyền nhưng xem ra biện pháp này không hiệu quả vì tìm sâm đất gần như là nguồn sống duy nhất đối với họ. Hiện giá sâm đất được các thương lái thu mua từ 8.000-10.000 đồng/kg, mức giá hấp dẫn này đã thôi thúc người nghèo rủ nhau rầm rộ đi tìm.


Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, thừa nhận việc khai thác trái phép, vô tội vạ sâm đất đã dẫn đến nhiều diện tích rừng bị chết. Hiện tại, rừng ở khu vực phường Nhà Mát (thị xã Bạc Liêu); xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, đã chết rất nhiều.

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng chỉ truy bắt các đối tượng thu mua và xử lý mạnh tay để ngăn chặn đầu mối tiêu thụ. Có đợt, chỉ trong vài ngày, cơ quan chức năng đã bắt quả tang đến 10 vụ vận chuyển, mua bán gần 1.000 kg sâm đất.

Gần đây, chỉ trong một ngày, Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu bắt quả tang nhiều đối tượng đào trộm sâm đất trong khu vực rừng phòng hộ phường Nhà Mát đang giao dịch với thương lái, thu giữ gần 500 kg sâm đất.

Ông Phúc nhấn mạnh: “Muốn ngăn chặn được tình trạng này, lực lượng kiểm lâm phải kết hợp chặt với chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng để họ ngừng ngay việc khai thác trái phép sâm đất trong rừng phòng hộ, tránh gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Đặc biệt, chính quyền phải thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn các đối tượng vào rừng, nhất là xử lý nghiêm, triệt để các tụ điểm, đầu mối thu mua sâm đất”.

img
Có hàng trăm lượt người phá rừng tìm sâm đất. Ảnh: K.NGUYÊN

Theo các ngành chức năng, muốn người dân không vào rừng săn sâm đất thì địa phương phải giải quyết tốt bài toán thoát nghèo cho họ. Một khi họ đã được tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định thì nạn vào rừng săn sâm đất mới hy vọng được giải quyết.

Giải pháp này đã được đưa ra trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Và cây rừng cứ bị bật tung theo từng nhát đào của cái vòng luẩn quẩn cơm, áo, gạo, tiền của dân nghèo!


Giúp nông dân nuôi sâm đất để cứu rừng


Viện Hải dương học Nha Trang (Viện Khoa học - Công nghệ VN) vừa kết hợp với Sở Khoa học – Công nghệ Bến Tre thực hiện đề tài nghiên cứu sâm đất. Nghiên cứu này kỳ vọng giúp nông dân nuôi sâm đất làm giàu, đồng thời cứu rừng khỏi bị tàn phá do nạn đào sâm, phá rừng.


Theo thạc sĩ Bùi Quang Nghị, Viện Hải dương học Nha Trang, chủ nhiệm đề tài, tên khoa học của sâm đất là Sipunculus nudus, còn tên gọi dân gian thì mỗi vùng mỗi khác, ví dụ như: con bi bi, con cạp đất, con đồn đột... Ở VN, loài này có nhiều ở vùng biển, đặc biệt là vùng rừng ngập mặn ven biển.


Kết quả nghiên cứu cho thấy trong sâm đất có thành phần dinh dưỡng cao, hàm lượng protein trung bình 15,18% và nhiều acid amin khác. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy trong thịt của loài này có chứa 17 nguyên tố khoáng, 18 loại acid amin rất cần thiết cho cơ thể con người. Sâm đất là sinh vật giàu taurine (3,2%) và khoáng chất (1,2%). Sâm đất khô còn có nhiều thành phần vô cơ như Na+, Cl-, các khoáng chất góp phần tạo nên hương vị thơm ngon.


Theo kinh nghiệm dân gian, thịt sâm đất phơi hoặc sấy khô, nướng giòn, tán nhỏ, rây bột mịn, uống với liều 6-10 g mỗi lần với nước ấm hoặc rượu, ngày ba lần là thuốc bổ thận, tráng dương, ích tinh chữa yếu sinh lý, liệt dương.


Ở VN, trước đây sâm đất chỉ dùng để làm mồi câu cá. Hiện nay, ở VN sâm đất được dùng nhiều trong các nhà hàng. Nhiều gia đình mua bột sâm đất nấu cháo bồi dưỡng cho trẻ em, người già, người suy nhược cơ thể.


Một thương lái chuyên buôn sâm đất cho biết giá sâm đất thành phẩm dao động từ 130.000 –150.000 đồng/100 g. Giá loại to, tươi, ngon phải đến 2 triệu đồng/kg.

B.T.D

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo