Sáng 10-2, Đội QLTT số 12, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Phòng 6, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) và Trạm Thú y, Công an quận Thanh Xuân bắt quả tang vụ vận chuyển, giết mổ hơn 300 kg thịt vịt không rõ nguồn gốc.
Đủ trò biến hóa
Ông Kiều Đình Cảnh, Đội phó Đội QLTT số 12, cho biết lực lượng liên ngành đã phát hiện cơ sở Vịt 29 ở số nhà 49 ngõ 109 Trường Chinh, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, do ông Đoàn Trung Hải đứng tên, đang chế biến, tiêu thụ hơn 300 kg vịt không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra số vịt chở trên xe cũng như kiểm tra hành chính ở cơ sở giết mổ, chủ cơ sở Vịt 29 không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện để giết mổ. Toàn bộ số vịt mà cơ sở này đang tàng trữ không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có dấu kiểm dịch của thú y.
Sau khi thu gom, các nhân viên của cơ sở này sẽ bơm hơi vào vịt để tăng trọng lượng. Đối với vịt quay, trước khi vào lò, công nhân tại cơ sở nhúng vịt vào một thùng nước có chứa phẩm màu. Chỉ với thao tác này, con vịt từ màu trắng bỗng chốc biến thành... vàng óng. Sau đó, vịt sẽ được đưa vào lò nướng và khi mang ra thì biến thành đặc sản.]
Lực lượng liên ngành TP Hà Nội phát hiện hàng trăm kg thịt vịt không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tịch thu toàn bộ số số vịt đã qua giết mổ và chế biến mà không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tiêu hủy.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng ở nhiều địa phương đã phát hiện không ít cơ sở giết mổ gia cầm có hiện tượng bơm nước, bơm hơi gà, vịt, ngan để tăng lợi nhuận khi bán. Cụ thể, rạng sáng 9-9-2014, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP HCM đã kiểm tra nhà số A31/3 ấp 1, xã Bình Hưng và phát hiện 183 con vịt lông (tương đương 550 kg), 113 con vịt đã giết mổ (263 kg) cùng 10 kg phụ phẩm.
Một số vịt sau khi đánh lông còn được bơm hơi căng phồng như quả bóng trước khi giao đến các lò quay. Theo chủ cơ sở, đây là một trong những “bí quyết” để vịt quay xong có hình thức bắt mắt. Tuy hoạt động rầm rộ với quy mô lớn nhưng lò mổ trên hoàn toàn không có giấy phép, nguồn vịt cũng không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc và điều kiện giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y.
Đừng thấy đẹp mà mê!
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết để cho da gà, vịt được căng, có màu đẹp thì chủ cơ sở giết mổ, chế biến thường dùng ống luồn vào phần đã bị cắt tiết để thổi cho căng lên. Người giết vịt muốn nhổ lông cho dễ cũng làm thủ thuật này. Khi cắt thịt, ta thấy hơi bên trong con vật xì ra và giảm đi một phần trọng lượng so với lúc mua.
Còn đối với hành vi dùng phẩm màu để nhuộm da cho vịt, ông Thịnh cho rằng hiện trên thị trường có khá nhiều loại phẩm màu nhưng khá phổ biến đối với vịt là ôxít sắt (muối sắt, bột sắt). Loại muối sắt màu vàng được dùng để nhuộm da cho thực phẩm và được phép sử dụng. Ngoài ra, người ta có thể dùng bột màu hữu cơ để nhuộm cho màu da vàng rộm hoặc da cam. Nếu người bán dùng loại phẩm màu này thì sẽ không gây độc hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu họ sử dụng các loại phẩm màu trôi nổi, không có nhãn mác, không kiểm soát được chất lượng thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định do có cầu nên mới có cung. Lâu nay, người bán lợi dụng thị hiếu của người tiêu dùng thích thực phẩm bắt mắt để bơm hơi, nhuộm màu nhằm thu lợi. Đó chính là nhược điểm lớn nhất của người tiêu dùng.
“Thực phẩm tốt, tươi ngon thực sự phải phản ánh tính chất tự nhiên của chính nó. Chẳng hạn, gà không thể vàng ruộm và căng mọng; vịt thì có thịt màu trông nhợt nhạt. Nhưng người tiêu dùng cứ thích da vịt, ngan màu vàng ruộm nên người ta mới nhuộm” - ông Thịnh nói.
Theo PGS-TS Phạm Xuân Ðà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế), bơm nước vào gia súc, gia cầm trước khi giết mổ không chỉ là hành vì gian lận, gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. “Nếu việc bơm nước diễn ra ở các lò mổ với nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, nhiễm vi sinh hoặc hóa chất, kim loại nặng thì sẽ thấm vào từng thớ thịt của gia súc, gia cầm. Như vậy, những miếng thịt heo, trâu, bò, gà, vịt... bị bơm nước có nguy cơ chứa những mầm bệnh nguy hiểm” - ông Đà cảnh báo.
Bình luận (0)