Nhân tố “kích” lạm phát tăng mạnh trong tháng 9 không chỉ có giá xăng mà còn có giá dịch vụ y tế, giáo dục.
Đối với xăng, CPI tháng 8 chịu ảnh hưởng của 2 lần tăng giá vào ngày 20-7 và 1-8 với mức tăng tổng cộng 1.300 đồng/lít khiến nhóm giao thông tăng tới 1,07%. Sang tháng 9, CPI cũng có độ trễ của 2 đợt điều chỉnh giá xăng nhưng mức tăng tổng cộng là 1.750 đồng/lít. Như vậy, “đóng góp” của giá xăng vào CPI tháng 9 chắc chắn sẽ còn tăng mạnh hơn do mức điều chỉnh giá lớn hơn.
Ảnh: TẤN THẠNH
Mặc dù Bộ Tài chính đã khuyến cáo các địa phương không tăng giá tập trung với biên độ lớn nhưng trong tháng 9, tiếp tục có 34 địa phương tăng giá dịch vụ y tế. Trong tháng 8, chỉ có hơn 10 địa phương tăng giá dịch vụ này nhưng đã khiến nhóm dịch vụ y tế tăng tới 7,71%, góp thêm cho mức tăng CPI tháng 8 0,4% - 0,5%. Ngoài ra, còn có các nhân tố mới làm nóng lạm phát tháng 9 là kỳ nghỉ lễ 2-9 và giáo dục vào năm học mới. Bên cạnh đó, yếu tố hỗ trợ CPI là lương thực, thực phẩm đang “đuối” hơn do chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và chi phí vận chuyển.
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng thâm hụt ngân sách năm nay rất cao, trong khi thu ngân sách có nhiều khó khăn. Tình thế này buộc Chính phủ phải tìm nguồn tài trợ và rất có thể thực hiện những chính sách làm ảnh hưởng đến vĩ mô, gieo mầm lạm phát. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình giá thị trường như vừa qua đã cho thấy khuynh hướng này. Theo TS Thành, nếu CPI tăng đến 2% trong một tháng thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng trong khoảng 1-2 quý sau.
Khó xử lý hơn lạm phát tiền tệ
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng lo ngại: “Nếu cứ theo đà này, lạm phát đến cuối năm có thể vẫn đạt mục tiêu một con số nhưng sẽ tích tụ để bùng lên mạnh hơn vào năm 2013”.
Theo chuyên gia này, kinh tế nước ta đang ở vùng trũng mấp mô. Xu hướng này xuất hiện từ năm 2008 đến nay và còn tiếp tục đến năm 2015, thể hiện ở lạm phát cao, sau đó lại rơi vào nguy cơ thiểu phát, vừa tăng trưởng nhích lên lại bị giật lùi, hoạt động sản xuất lúc bùng lên, lúc sa sút nghiêm trọng. “Ai đó nói kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, qua đáy rồi là chưa đủ cơ sở”- ông Hồ khẳng định.
Một số chuyên gia kinh tế khác cảnh báo việc lạm phát đột ngột tăng trở lại trong khi tăng trưởng tín dụng rất thấp là một dấu hiệu rất đáng lo. Bởi đó là lạm phát do chi phí đẩy, đình đốn sản xuất và như vậy sẽ là bài toán khó hơn so với lạm phát do yếu tố tiền tệ của những năm trước.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, kịch bản lạm phát đang lặp lại như năm 2010. Đó là sau khi được “kích hoạt” từ tháng 9, CPI cả năm 2010 đã tăng vọt lên 11,75% (cao gấp gần 2 lần so với mức tăng 6,52% của năm 2009). Nguy cơ này đang dần hiện hữu khi chính sách tài khóa và tiền tệ có dấu hiệu nới lỏng thông qua việc tăng chi ngân sách, ứng trước ngân sách năm sau và tháo chốt lãi suất để tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, giá điện, giá xăng dầu vẫn rập rình tăng, học phí và viện phí cũng còn duy trì tác động trong những tháng tiếp theo.
Tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy nếu lạm phát bình quân của 4 tháng cuối năm vượt 1% thì trong 4 tháng này, lạm phát bình quân tính theo năm sẽ là 2 con số và xu hướng này sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát năm 2013. |
Bình luận (0)