Ông Burghardt cho rằng, BTA đã khiến nhiều công ty, doanh nghiệp Mỹ quan tâm hơn đến cơ hội đầu tư, kinh doanh với VN.
Theo Đại sứ Burghardt, trong 9 tháng đầu năm 2002, hàng hóa VN xuất khẩu sang Mỹ gia tăng hơn 2 lần (113%), đạt tổng giá trị 1,571 tỉ USD. Trong cùng thời gian, hàng hóa và dịch vụ của Mỹ xuất sang VN cũng tăng 30%, đạt 343 triệu USD. Đại sứ cho rằng, hai bên đều có những nỗ lực tích cực trong việc thực thi BTA, trong đó phía Mỹ ngay lập tức mở cửa hoàn toàn thị trường của mình cho hàng hóa và dịch vụ từ VN, mức thuế suất của Mỹ đánh vào hàng hóa VN giảm từ mức trung bình 40% xuống 3% và đây là nhân tố rất quan trọng để VN gia tăng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Dù không phải mở cửa thị trường ngay, mở cửa theo những lộ trình cam kết trong BTA, nhưng Đại sứ Burghardt cũng cho rằng VN đã có những nỗ lực để thực hiện hiệp định trong năm qua. VN đã bắt đầu có sự chuẩn bị về nhiều mặt để thực hiện các cam kết ghi trong BTA, hạ thuế suất với một số mặt hàng của Mỹ... Đại sứ Burghardt cũng cho rằng phía VN cần có những nỗ lực để thực hiện các cam kết theo BTA, nhất là trên các lĩnh vực liên quan đến tính minh bạch, sở hữu trí tuệ, đầu tư. Ông Burghardt cho rằng thực thi có hiệu quả BTA sẽ giúp VN rất nhiều trên con đường gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì các điều khoản của hiệp định này được thiết kế dựa trên các tiêu chuẩn của WTO.
Đại sứ Burghardt cho biết, phía Mỹ sẽ có trợ giúp về mặt kỹ thuật để VN triển khai việc thực thi BTA. Trong đó, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, Chính phủ Mỹ đang tài trợ 8 triệu USD cho dự án STAR triển khai trong 3 năm để cung cấp trợ giúp kỹ thuật trong các lĩnh vực liên quan đến thực thi hiệp định như cải cách pháp lý, hải quan, tính minh bạch, sở hữu trí tuệ...
Trả lời các câu hỏi liên quan đến tồn tại trong giao thương VN- Mỹ như vụ kiện cá tra, cá basa, quyết định của Bộ Thương mại Mỹ (US DoC) cho rằng VN không phải là nền kinh tế thị trường... Đại sứ Burghardt cho rằng, vụ kiện cá tra, cá basa không liên quan đến BTA vì ngay trong hiệp định có điều khoản ghi rằng khi có tranh chấp thì mỗi nước có thể áp dụng luật lệ của mình. Ông cũng cho rằng, khi thương mại hai nước phát triển hơn nữa trong tương lai thì các vụ tranh chấp như vậy còn có thể xảy ra.
Đại sứ Burghardt cho biết, từ năm 2003, Mỹ sẽ triển khai Quỹ Giáo dục VN trị giá 5 triệu USD/năm và đây là chương trình hợp tác giáo dục song phương lớn nhất của Mỹ trên thế giới. Đồng thời, với Quỹ Giáo dục VN, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chương trình Fulbright có trị giá khoảng 5 triệu USD năm.
Bình luận (0)