Ngày 28-3, sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “Cảng Quy Nhơn được bán như thế nào?”, một số cựu cán bộ, nhân viên Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP) đã cung cấp cho báo thêm nhiều hồ sơ, tư liệu liên quan đến vụ việc này.
Không có lợi cho nhà nước
Theo các cựu cán bộ này, sau khi nghe thông tin thoái toàn bộ vốn nhà nước, thời điểm đó, tập thể công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) QNP đã có bức tâm thư dài 3 trang ngày 14-5-2014 gửi Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Bức thư ghi rõ: “Năm 2013, sản lượng hàng hóa thông quan cảng Quy Nhơn đạt 6,25 triệu tấn, tiếp tục là cảng có sản lượng thông quan dẫn đầu khu vực miền Trung với doanh thu 484 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 28 tỉ đồng và nộp ngân sách 30 tỉ đồng. Ngoài các khoản nộp trực tiếp, cảng còn gián tiếp tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thông qua các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng.
Ngoài việc thực hiện mục tiêu lợi nhuận thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, cảng Quy Nhơn còn có mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, đảm nhiệm xếp dỡ một số mặt hàng nông, lâm sản, sản phẩm phục vụ nông nghiệp thông qua cung ứng dịch vụ cảng biển với giá cước mang tính hỗ trợ để phù hợp với điều kiện còn nhiều khó khăn của tỉnh Bình Định cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bởi vậy, trong trường hợp bán toàn bộ phần vốn nhà nước, mục tiêu an sinh xã hội như đã đề cập sẽ không thực hiện được.
Việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại QNP không nằm trong phương án cổ phần hóa và thông tin đã công bố, gây ảnh hưởng đến tâm lý các tổ chức, cá nhân đã đầu tư vào công ty và đặc biệt ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của các thế hệ CNVC-LĐ đã góp sức xây dựng và phát triển cảng Quy Nhơn.
Vai trò, vị trí và tầm quan trọng của cảng Quy Nhơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung đã và đang được khẳng định ngày càng nhiều hơn. Do đó, khi nhà nước tiếp tục duy trì sở hữu để tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Hoạt động kinh doanh của QNP nhiều năm trước và sau cổ phần hóa đến nay đều đạt hiệu quả cao, dù điều kiện khó khăn do không có được nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Trong những năm đến, khi duy trì tỉ lệ sở hữu ở mức 49%, nhà nước sẽ được nhiều lợi ích hơn so với bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại QNP. Trong định hướng chiến lược phát triển của Vinalines, cảng Quy Nhơn tiếp tục được xác định là cảng trọng điểm của miền Trung. Cảng đóng vai trò quan trọng, là một trong những mắt xích chính gắn kết 3 khối kinh doanh biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải của Vinalines tại miền Trung. Vì vậy, Vinalines cần phải duy trì sự tham gia quản lý đối với đơn vị cảng biển đứng chân tại các vị trí trọng điểm của khu vực.
Bên cạnh đó, vấn đề đời sống việc làm của CNVC-LĐ cũng cần được lưu tâm. Nhiều năm qua, QNP ngoài việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được cấp trên giao còn bảo đảm việc làm và thu nhập cao cho CNVC-LĐ. Cụ thể, thu nhập hằng năm của CNVC-LĐ tăng từ 15% trở lên. Nếu nhà nước bán hết phần vốn tại QNP, nhà đầu tư khác sẽ vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, vấn đề về đời sống, việc làm của CNVC-LĐ trong công ty sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dễ dẫn đến tiêu cực cho sự phát triển của cảng.
Cảng Quy Nhơn ngày nay còn là kết quả của một quá trình 38 năm xây dựng, dày công đóng góp công sức mồ hôi, nước mắt và cả máu của CNVC-LĐ qua nhiều thế hệ. Trong quá trình xây dựng và phát triển đó, CNVC-LĐ là chủ thật sự, gắn bó máu thịt với cảng. Vì vậy, nếu bán hết phần vốn tại QNP cũng đồng nghĩa thay đổi toàn bộ mô hình quản lý, những giá trị truyền thống trong 38 năm qua có nguy cơ bị mất”.
Phớt lờ mong mỏi của người lao động
Theo ông N.Q.K, cựu cán bộ QNP, đầu tháng 5-2014, sau khi nghe thông tin Vinalines sẽ thoái toàn bộ phần vốn nhà nước còn lại cho nhà đầu tư chiến lược, từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên cảng Quy Nhơn ai cũng lo lắng. Ngay sau đó, Công đoàn QNP tổ chức gấp một hội nghị, thành viên là tổ trưởng tổ Công đoàn trở lên để lấy ý kiến về việc này. Kết quả, 100% đại biểu tham dự đều thống nhất đề nghị Vinalines giữ lại 49% phần vốn nhà nước.
“Tôi vẫn còn nhớ như in về cuộc họp này. Khi lãnh đạo Công đoàn QNP đề nghị biểu quyết ai đồng ý giữ lại 49% phần vốn nhà nước thì giơ tay, lập tức tất cả đều đồng loạt đưa tay lên. Tưởng anh em đồng lòng như thế, Vinalines sẽ xem xét quyết định của mình. Vậy mà...” - ông K. nhớ lại.
Dù tập thể CNVC-LĐ đã có tâm thư nhưng tháng 7-2015, khi đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Nguyễn Văn Thiện (nay đã nghỉ hưu) lại có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương thoái phần vốn còn lại cho “nhà đầu tư chiến lược” để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn. Nguồn tin riêng của phóng viên cho biết đây là ý kiến của cá nhân ông Thiện chứ không phải chủ trương chung của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thời điểm này.
Để rồi, toàn bộ khối tài sản đồ sộ của cảng Quy Nhơn có giá trị hơn ngàn tỉ đồng được bán cho một công ty tư nhân với giá chỉ hơn 400 tỉ đồng.
Trái chủ trương cổ phần hóa của nhà nước
Ông Tô Tử Thanh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - cho rằng cảng Quy Nhơn có tầm chiến lược quốc phòng về an ninh và kinh tế, nối liền Tây Nguyên, Đông - Bắc Campuchia và hạ Lào thông qua Quốc lộ 19. Việc bán hết phần vốn của nhà nước tại QNP là trái với chủ trương cổ phần hóa của Đảng và nhà nước.
“Cảng gắn liền với đất, nước, địa chất, địa hình mà đất, nước là tài nguyên của quốc gia. Bởi vậy, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại QNP và xử lý theo quy định” - ông Thanh bày tỏ.
Bình luận (0)