Từ huyện Tây Trà - Quảng Ngãi, phải mất gần 2 giờ, tôi và người dẫn đường mới đến được trung tâm xã Trà Xinh. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi bộ gần 4 giờ đường rừng mới có mặt ở bãi vàng sông Tang, thôn Trà Veo.
Những dòng sông chết
Phía xa xa, một nhóm người đang cặm cụi đào đãi vàng bằng phương pháp thủ công. Người dẫn đường cho biết đây chỉ là những người “mót” vàng của các đầu nậu. Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào thượng nguồn sông Tang. Trên con đường mòn dài gần chục km, chỗ nào nước sông cũng đục ngầu và ngổn ngang đất đá. Phía sườn núi bị khoét những lỗ sâu hoắm, tan hoang. Những cánh đồng vốn là ruộng lúa của người dân địa phương cũng bị bỏ hoang.
Ông Hồ Văn Nên (ngụ xã Trà Xinh) cho biết trước đây, sông Tang có rất nhiều cá nhưng bây giờ thả lưới cả ngày cũng không được con nào. “Sông không còn cá, đồng ruộng không còn nước tưới nên dân ở đây đói lắm, phải đi đào đãi vàng…” - ông Nên ngao ngán.
Tiếp tục men sâu vào thượng nguồn sông Tang, màu nước càng trở nên đục hơn, phía xa là âm thanh của những loại máy móc đang hoạt động hết công suất. “Sắp tới bãi vàng lớn nhất” - người dẫn đường cho biết.
Đến nơi, một cảnh tượng tiêu điều của sông núi hiện ra trước mắt chúng tôi. Từng chiếc máy xúc đang cạp vào những vách núi loang lổ, hàng chục đống đất đá nằm ngổn ngang dưới lòng sông. Thấy người lạ, sau một hồi nhìn ngó với vẻ tò mò, nhóm người đào đãi vàng lại cặm cụi làm việc.
Anh Hồ Văn Cụi, người đãi vàng, cho biết bãi vàng này do ông Quốc (ngụ huyện Tây Trà) làm chủ.
Bán ruộng, làm “vàng tặc”
Không chỉ ở sông Tang, trong những ngày đi thực tế tại nhiều xã khác nhau của 2 huyện Tây Trà và Sơn Tây, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều con sông, ngọn núi bị “bức tử” bởi nạn khai thác vàng trái phép.
Dọc theo sông Kem (thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà) là hàng loạt hầm hố, không một bóng cây. Người dân cho biết trước đây, khu vực này là đồng ruộng nhưng từ khi nạn khai thác vàng trái phép xuất hiện thì trở nên hoang hóa vì không loại cây nào sống được. Theo ông Hồ Văn Hên (ngụ thôn Trà Nga), khi nạn đào đãi vàng diễn ra rầm rộ, các đầu nậu đã mua hết ruộng của người dân địa phương, sau đó đưa máy móc vào đào xới để tìm vàng. “Bây giờ, không có đất làm ruộng, nhiều người dân thôn Trà Nga phải đi đào đãi vàng cho đầu nậu nên chuyện đói ăn thường xuyên xảy ra” - ông Hên nói.
Chỉ truy quét một lần
Dù tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ nhưng lực lượng chức năng của các huyện vùng cao tỉnh Quảng Ngãi vẫn không có biện pháp gì để ngăn chặn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có một lần Công an huyện Tây Trà tổ chức truy quét “vàng tặc” và tịch thu một số máy móc... Thế nhưng, khi lực lượng này rút đi thì mọi việc lại diễn ra như cũ. “Vì sự thờ ơ của chính quyền nên “vàng tặc” ngày càng lộng hành và hậu quả thì chúng tôi phải gánh” - một người dân ngao ngán. |
Kỳ tới: Tai nạn rình rập
Bình luận (0)