xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bụng đói đến trường

Bài và ảnh: Hoàng Hùng

Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, một ngôi trường danh tiếng, có lịch sử lâu đời của TP Mỹ Tho (Tiền Giang), lại có những học sinh đến trường trong cảnh cơm không đủ no, áo không đủ mặc

Theo hướng dẫn của cô Nguyễn Kim Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tôi đến thăm nhà em Nguyễn Duy Hà Linh, học sinh lớp 10CA3, nằm sâu trong một con hẻm thuộc địa bàn xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho.


Nhịn đói đến chiều


Cha Linh bỏ đi đã nhiều năm, mẹ sống bằng nghề phụ hồ, bữa có việc, bữa không nên nhà thường hết gạo. Vì vậy, em đã nhiều lần nhóm lửa nấu cơm rồi phải dập tắt ngay vì thấy hũ gạo không còn một hột.

Những lần dập lửa như vậy em đều bụng đói đến trường. Có hôm bạn bè biết thì cho miếng bánh đỡ lòng, còn không thì đành nhịn đói cho tới chiều vào sân tennis nhặt banh thuê kiếm tiền mua gạo đem về nhà nấu cơm.


Giống như Linh, em Lương Thiện Nhân (học sinh lớp 10CB, ngụ xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) cũng đến trường bữa đói, bữa no vì cha mất sớm, mẹ bị phỏng xăng co rút chân tay, không làm ra tiền. Trong khi đó, ông ngoại em bị cụt chân, bà ngoại bị gãy tay không thể nương nhờ. Thấy em nhà nghèo, bà con lối xóm người cho cơm, người cho cháo để em đỡ lòng đến trường.

img
Em Nguyễn Duy Hà Linh nhiều lần nhóm lửa nấu cơm rồi phải dập tắt vì thấy hũ gạo không còn một hột


Lần theo con hẻm dài cả cây số, tôi đến nhà nữ sinh Nguyễn Thành Lân (học sinh lớp 12CA1) thuộc xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho. Đó là căn nhà rộng chừng 20 m2, xây cất tạm bợ. Khi tôi tới nhà cũng là lúc em vừa đi học về với hơi thở nặng nhọc, sắc mặt xanh xao.

Đó là hệ quả của sự thiếu đói triền miên, dẫn đến suy dinh dưỡng. Lân kể: “Cha em bỏ đi khi em vừa sinh ra, mẹ tảo tần nuôi em khôn lớn bằng gánh hàng rong, mỗi ngày kiếm từ 10.000 đến 15.000 đồng, đủ để mua gạo qua ngày.

Đã nhiều lần em định nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ nhưng nhờ thầy cô động viên, giúp đỡ em có áo dài để mặc, có tập để viết”. Lân nói tiếp: “Lúc sinh ra, mẹ đặt tên em là Lan nhưng mấy ông hộ tịch địa phương bảo tên Lan lớn lên sẽ khổ, vì vậy họ sửa lại là Lân. Họ bảo Lân nằm trong tứ linh, sẽ đem lại may mắn cho em. Nhưng càng lớn, em thấy mình càng khổ. Do đó, em quyết chí học thành tài để thay đổi vận mệnh của mình”.


Những mảnh đời côi cút


Cha mất lúc em lên ba, mẹ bỏ lấy chồng khác, em phải sống nương nhờ sự bảo bọc của bà nội. Đó là hành trang vào đời của Nguyễn Thị Tuyết Trân, học sinh lớp 11A1, ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo. Năm nay, bà nội Trân đã 82 tuổi, bệnh tim nặng, cột sống thoái hóa không thể đi lại được.

Nhờ có ông nội là liệt sĩ nên bà nội Trân được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 600.000 đồng. Lúc đầu hai bà cháu đủ sống, nhưng hiện nay em phải dành hết số tiền đó vào việc chữa trị bệnh cho bà. Trân đến trường là nhờ sự giúp đỡ của nhà trường qua bữa cơm từ thiện. Ngoài ra, Trân còn tranh thủ thời gian đi nhặt phế liệu bán lấy tiền mua sách, mua khoai, bắp đỡ lòng khi đến lớp.


Hoàn cảnh của Nguyễn Hà Chi (lớp 12CA5, ngụ xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) còn cơ cực hơn nhiều. Mẹ mất lúc Chi 13 tháng tuổi, khi em lên lớp 12 thì cha cũng theo mẹ về nơi chín suối. Đã nhiều lần Chi định nghỉ học tìm việc làm để nuôi đứa em còn nhỏ dại nhưng vì muốn học tốt để thay đổi vận mệnh nên em cố gắng vượt qua khó khăn. Sáng đến trường, chiều đi làm thuê để có tiền mua gạo.


Không có cha, Nguyễn Ngọc Kỳ Duyên (học sinh lớp 10CA2, ngụ phường 4, TP Mỹ Tho) phải giúp mẹ nhặt cơm nguội rồi phơi khô đem bán cho những cơ sở chế biến thức ăn gia súc. Ngày nào gom nhiều cũng được chừng 10 kg cơm tươi, phơi 2-3 ngày mới có 3 kg cơm khô mang đi bán, vì vậy cuộc sống của Duyên và mẹ rất cơ cực.

Không có cha, mẹ mất sức lao động, Trần Thanh Tân (lớp 10CK2, ngụ phường 4, TP Mỹ Tho) cũng sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con lối xóm. Do sức mẹ ngày càng yếu (mất sức lao động 61%), nhiều phen Tân định nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền lo thuốc thang cho mẹ nhưng nhờ sự trợ giúp của nhà trường, Tân gắng gượng đi học trong tình cảnh thiếu trước hụt sau, no ít, đói nhiều.

Trên 400 học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Theo cô Hiệu phó Nguyễn Kim Hoàng, hiện toàn trường có trên 400 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 100 em cần sự giúp đỡ của xã hội. Trong số này, trường đã chọn ra 30 trường hợp để vận động xã hội giúp đỡ khẩn cấp, nếu không các em khó học xong trung học. Năm học trước, nhà trường cũng đã vận động giúp hàng chục em nghèo vượt qua khốn khó, tốt nghiệp phổ thông, trong số đó đã có nhiều em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo