Ngày 4-2, tại TP Auckland - New Zealand, 12 bộ trưởng đại diện 12 nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, đã tham gia lễ ký kết để xác thực lời văn hiệp định này.
Đại diện 12 quốc gia thành viên TPP tham gia lễ ký kết gồm: Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Úc, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam.
Việc ký kết TPP được xem như bước ngoặt của thế kỷ XXI sau 5 năm Việt Nam và các nước nỗ lực đàm phán. Dù vậy, vẫn còn một chặng đường thương thảo khó khăn và kéo dài trước khi TPP trở thành hiện thực. Thủ tướng New Zealand John Key thừa nhận đây là “bước đi quan trọng” nhưng TPP vẫn chỉ nằm trên giấy cho đến khi nào có hiệu lực. “Chúng tôi khuyến khích toàn bộ quốc gia thành viên hoàn tất tiến trình phê chuẩn càng sớm càng tốt. TPP sẽ giúp hơn 800 triệu dân (của toàn bộ 12 nước thành viên) tiếp cận hàng hóa, dịch vụ tốt hơn” - ông Key phát biểu.
Sau lễ ký, TPP sẽ trải qua quá trình phê chuẩn kéo dài 2 năm. Theo Reuters, hiệp định chỉ có hiệu lực khi được thông qua bởi ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% tổng GDP của 12 thành viên. Điều này có nghĩa thỏa thuận phải được quốc hội của cả 2 nền kinh tế lớn nhất trong TPP là Mỹ và Nhật Bản thông qua.
Tại Mỹ, sự phản đối của nhiều thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa khiến việc bỏ phiếu về TPP trước khi Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017 gặp trở ngại. Lường trước thách thức này, ông Obama tuyên bố ngay sau lễ ký kết hôm 4-2: TPP sẽ giúp Mỹ có lợi thế hơn các nền kinh tế hàng đầu khác, cụ thể là Trung Quốc. “TPP cho phép Mỹ chứ không phải những nước như Trung Quốc thiết lập các quy tắc trong thế kỷ XXI. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một khu vực năng động như châu Á - Thái Bình Dương” - tổng thống Mỹ nhấn mạnh. Ông Michael Froman, đại diện Thương mại Mỹ, cũng khẳng định chính quyền nước này vẫn đang nỗ lực trong quyền hạn cho phép để thúc đẩy TPP, đồng thời bày tỏ tin tưởng hiệp định sẽ giành đủ sự ủng hộ tại quốc hội.
Trong khi đó, việc từ chức mới đây của Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, có thể khiến quá trình thông qua TPP ở nước này khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhiều chính khách và nhà kinh tế học Nhật Bản đánh giá TPP đóng vai trò tích cực cho tăng trưởng kinh tế nước này dù vẫn còn lo ngại về tác động đối với ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb cho hay TPP sẽ được trình lên quốc hội vào tuần tới. Tại Mexico, Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajard thông báo cuộc bỏ phiếu về TPP dự kiến diễn ra trước cuối năm 2016. Riêng quốc hội Malaysia vào cuối tháng 1 qua đã chính thức thông qua hiệp định này.
TPP ra đời với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, an toàn lao động... Một khi có hiệu lực, TPP ước tính sẽ trở thành khu vực thương mại tự do chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Cơ hội lớn cho nền kinh tế
Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cho rằng việc ký kết TPP có thể coi là cột mốc lớn của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. “TPP mang lại cơ hội lớn cho kinh tế đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
TS Lê Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế:
Phải chờ “thấm”
TPP vừa ký kết chỉ giống như là biên bản ghi nhớ để các bộ trưởng thương mại trình quốc hội... Do đó phải chờ thêm một thời gian nữa khi nguyên thủ các nước Mỹ, Canada... ký thông qua.
Khi TPP chính thức có hiệu lực, chúng ta mới cảm nhận rõ ràng hơn các tác động của nó, với kỳ vọng xóa bỏ mọi rào cản, làm thay đổi hình ảnh Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. Đây là một hiệp định chưa có tiền lệ nên cần thời gian trải nghiệm cũng như độ “thấm” của nó đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).
TSKH Nguyễn Hoàng Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM:
Nông dân sẽ gặp khó
TPP là hiệp định tiêu biểu nhất cho thế kỷ XXI. Trong số 11 đối tác thành viên của Việt Nam hiện nay, Mỹ, Canada, Mexico, Peru chưa thiết lập quan hệ thương mại tự do nên cơ hội chủ yếu của Việt Nam sẽ mở rộng ở 4 thị trường này.
Sau khi TPP có hiệu lực, hàng rào thuế quan xóa bỏ, cơ hội bán hàng của Việt Nam lớn hơn nhưng đồng thời chúng ta cũng phải mở cửa và lúc này, đối tượng dễ bị tổn thương là nông dân, phải đối mặt với sản phẩm giá rẻ. Chăn nuôi gà, vịt khó có khả năng cạnh tranh.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP HCM:
Bài toán khó của ngành cơ khí
Điều tôi lo ngại nhất khi vào TPP là năng lực cạnh tranh của DN cơ khí. Ngành cơ khí hiện nay tổ chức nền tảng rất thấp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ. Các DN nhỏ, siêu nhỏ rất nhiều, năng lực sản xuất ở mức trung bình thấp trong khi số DN đáp ứng được tiêu chí cao rất ít. Ở TP HCM chỉ có vài đơn vị như vậy, còn lại đa số DN lấy công làm lời, chỉ đủ trang trải chứ không có tích lũy, thiếu vốn để đầu tư công nghệ.
Suốt thời gian dài, nhà nước xác định cơ khí là ngành công nghiệp trọng điểm nhưng không có chiến lược cụ thể nào. Thời gian gần đây, TP HCM thông qua chương trình vay vốn kích cầu nhưng chỉ 5-7 DN ngành cơ khí tiếp cận được nguồn vốn. DN không có đầu ra thì không dám đầu tư mà không đầu tư thì khó được đối tác nước ngoài đặt hàng. Đây là bài toán rất khó.
T.Nhân ghi
Bình luận (0)