Trong nhiều năm qua, nhiều bạn đọc trên thế giới, bạn đọc ở Việt Nam biết đến GS-TS Trịnh Xuân Thuận không chỉ là một nhà vật lý thiên văn xuất sắc mà còn là một nhà văn nổi tiếng. Trịnh Xuân Thuận chia sẻ quan điểm của Albert Einstein khi ông nói: “Nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng được các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo”.
Nhà vật lý thiên văn xuất sắc
GS Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội, lớn lên tại Sài Gòn, học trường trung học Jean Jacques Rousseau của Pháp, nay là trường THPT Lê Quý Đôn – TPHCM. Năm 1966 ông du học Thụy Sỹ, sau đó là Hoa Kỳ. Tốt nghiệp cử nhân Viện Công nghệ California, nhận bằng Ph.D về vật lý thiên văn ở Đại học Princeton năm 1974, dưới sự hướng dẫn của nhà vật lý thiên văn xuất chúng Lyman Spitzer, cha đẻ của kính thiên văn không gian Hubble.
Từ năm 1976, Trịnh Xuân Thuận đã là một GS xuất sắc về vật lý thiên văn tại Đại học Virginia và nhiều trường ĐH danh tiếng khác trên thế giới.
Năm 2004, qua kính thiên văn không gian Hubble, GS Trịnh Xuân Thuận đã phát hiện ra thiên hà trẻ nhất đã biết trong vũ trụ (có tên là I Zwicky 18).
GS Trịnh Xuân Thuận ký tặng sách cho bạn đọc.
Một nhà văn danh giá
GS Trịnh Xuân Thuận không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc, ông còn là một nhà văn nổi tiếng, người muốn chia sẻ niềm đam mê vũ trụ của mình cùng với những vấn đề triết học, đạo Phật với công chúng. Giao lưu với bạn đọc, GS Trịnh Xuân Thuận nói rằng việc viết về thiên văn, vũ trụ cũng là một phần sứ mệnh của ông. Ông còn có giáo trình “Thiên văn học dành cho các nhà thơ”, trong đó người nghe bình thường cũng dễ dàng hiểu và thích thú phát hiện ra những điều kỳ diệu của vũ trụ theo một ngôn ngữ phi kỹ thuật.
Nhiều tác phẩm của GS Trinh Xuân Thuận trở thành những tác phẩm best-seller như Giai điệu bí ẩn -1988, Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó - 1992, Hỗn độn và hài hòa – 1998… Chính nhờ những tác phẩm phổ cập khoa học đặc sắc ấy, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới, Trịnh Xuân Thuận đoạt nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng văn học châu Á năm 2000 của Hiệp hội các nhà văn Pháp ngữ, Giải thưởng lớn Moron năm 2007 của Viện Hàn lâm Pháp, Giải thưởng Kalinga năm 2009 về phổ biến khoa học của UNESCO. Đặc biệt ông còn được trao Giải thưởng thế giới Cino del Duca năm 2012 của Viện Pháp quốc, sánh vai với những nhà văn nổi tiếng đã từng được trao giải thưởng này như các nhà văn Milan Kundera, Mario Vargas Llosa (Nobel văn học)...
GS-TS Trịnh Xuân Thuận giao lưu với bạn đọc trên đường sách Nguyễn Văn Bình - TPHCM
Sức lan tỏa những tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận
Chuyến về Việt Nam lần này của nhà vật lý thiên văn, nhà văn Trịnh Xuân Thuận kéo dài đến tháng 12-8 nhưng lịch làm việc của ông rất bận rộn. Vừa về từ Quy Nhơn - Bình Định tham gia cuộc “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XII”, sáng 10-7, GS-TS Trịnh Xuân Thuận đã có mặt ở TP HCM để giao lưu với bạn đọc, nhân dịp các tác phẩm của ông được xuất bản, tái bản tại Việt Nam.
Hàng trăm bạn đọc đứng chật trên đường sách Nguyễn Văn Bình, không khí giao lưu rất hàn lâm và cũng rất thân thiện, cho thấy sức lan tỏa những tác phẩm của GS Trịnh Xuân Thuận. Qua giao lưu, bạn đọc biết được GS Thuận rất say mê đạo Phật mà ông tự nhận là một Phật tử. GS Thuận không chỉ say mê Albert Einstein và Isaac Newton…, mà cũng mê đắm các nhà văn hóa, nhà văn lớn, từ Lão Tử, đến William Faulkner, Antoine de Saint-Exupéry, Ernest Miller Hemingway, Gabriel José García Márquez, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…Có lẽ đó cũng là cái duyên để những tác phẩm của ông hòa quyện những sắc màu lung linh của vũ trụ với sự vô thường nhưng cũng rất huyền diệu của giáo lý nhà Phật.
Một bạn đọc đặt câu hỏi rất thời sự: Vũ trụ hỗn độn như vậy nhưng tất cả dều có quy luật. Như vậy con người - nhân loại - có thể vận dụng những quy luật đó để xây dựng nên một thế giới bình yên… Trả lời câu hỏi này GS Trịnh Xuân Thuận cho rằng đúng như vậy, nhưng con người còn có tâm hồn, còn có sân si, sự tham lam trộn lẫn với lòng vị tha, mỗi con người cũng là một vũ trụ, rất khó hòa hợp…
Kết thúc buổi giao lưu là cảnh hàng trăm độc giả, trong tay là những tác phẩm của GS Trịnh Xuân Thuận, chờ xin chữ ký của ông, cho thấy thiên văn học, văn học như có điểm gặp nhau, đó là cái đẹp, sự vĩ đại của nhân loại đi tìm cái huyền diệu của cuộc sống vẫn tiếp tục bất tận, như những vì sao kia vẫn lấp lánh, lấp lánh…
Và hôm nay, một buổi sáng làm việc rất cật lực của nhà văn, nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận; cũng là một buổi bán sách khoa học rất chạy của NXB Trẻ…
Chương trình làm việc của GS Trịnh Xuân Thuận
Trong tháng 7-2016, GS Trịnh Xuân Thuận còn nhiều chương trình giao lưu với độc giả, cộng đồng yêu thích thiên văn học tại Hà Nội và TPHCM. Trước mắt có hai cuộc giao lưu sau:
- Thứ ba, 12/7, từ 18h - 20h, nói chuyện khoa học tại Trung tâm văn hóa Pháp – Idecaf.
- Sáng thứ 4, 13/7, từ 9h - 11h, nói chuyện với sinh viên ĐH Quốc gia TP HCM.
- Hai cuộc nói chuyện khác tại ĐH Hoa Sen, Trung tâm SEAMEO…
Các tác phẩm tiêu biểu của GS Trịnh Xuân Thuận
- Giai điệu bí ẩn - và con người đã tạo ra vũ trụ, Phạm Văn Thiều dịch, NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật.
- Hỗn độn và hài hòa, Phạm Văn Thiều và Nguyễn Thanh Dương dịch, NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật.
- Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến Giác Ngộ), Phạm Văn Thiều - Ngô Vũ biên dịch, NXB Trẻ & tạp chí Tia Sáng.
- Lượng tử và hoa sen, NXB Tổng Hợp TPHCM.
- Trò chuyện với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, Phạm Văn Thiều dịch, NXB Trẻ & tạp chí Tia Sáng.
- Nguồn gốc - Nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu, Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch (NXB Trẻ).
- Những con đường của ánh sáng - vật lý và siêu hình học của ánh sáng và bóng tối - giải thưởng lớn Moron 2007 của Pháp...
Bình luận (0)