Thứ Sáu, 10/1/2025
xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Buồn vui phận ve chai

KHA MIÊN - VĂN DUẨN - KỲ NAM

Giữa thành phố đông đúc, những người nhặt ve chai len lỏi khắp các ngõ hẻm. Họ lặng lẽ đi tìm thứ có thể bán được trong các món đồ bị vứt bỏ

12 giờ ngày 6-4, trong cái nắng bỏng da, bà Nguyễn Thị Gái (44 tuổi, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế) tấp vội chiếc xe ba gác chở đầy phế liệu vào dưới gốc cây trên đường Nhất Chi Mai, quận Tân Bình, TP HCM nghỉ mệt.

Xuôi ngược giữa dòng đời

Phe phẩy chiếc nón lá, bà Gái kể: Vì nhà nghèo, đông anh em, bà chỉ được học cho biết mặt chữ rồi nghỉ đi nhặt ve chai. Mỗi ngày, bà rong ruổi khắp các con phố từ 7 giờ. Buổi trưa của bà thường là những bữa ăn vội không đoán định được chỗ. 15 giờ, bà về nhà, phân loại ve chai, tắm rửa rồi lại tất tả với công việc rửa chén thuê ở một quán ăn đến tận 23 giờ.

“Tôi mới vào TP HCM được hơn 1 năm, không xin được việc làm nên mua chiếc xe ba gác hơn 1 triệu đồng rồi đi nhặt ve chai như hồi ở quê. Tôi có 2 con, đứa học lớp 9, đứa học lớp 11. Tôi thương 2 đứa lắm mà cha tụi hắn nhậu dữ quá, say xỉn suốt ngày. Khuyên ông ấy kiểu chi cũng không được nên tôi vào đây làm ăn rồi gửi tiền về quê nuôi con” - bà Gái tâm sự.

Ở Hà Nội, những người thu gom ve chai thường tập trung thuê trọ tại ngõ 34 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Rất dễ để nhận ra nơi trú ngụ của họ - quần áo lao động phơi đầy trước cửa, những bao tải đựng phế liệu to đùng ngay lề đường, những túi, giẻ rách, đồ nhựa, sắt vứt chỏng chơ, lộn xộn trong phòng. Những phòng trọ ẩm thấp được quây tạm, chằng đụp bằng cót ép hoặc bất cứ thứ gì có thể che đậy được.

Xóm ve chai ở ngõ 34 đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội Ảnh: VĂN DUẨN
Xóm ve chai ở ngõ 34 đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội Ảnh: VĂN DUẨN

Những người hành nghề ve chai ở xóm trọ này đa phần là phụ nữ quê ở Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở cái nghèo. Sáng sớm, họ đạp xe lang thang khắp các con đường, ngõ ngách trong thành phố, nhặt bất cứ thứ gì người khác bỏ đi, từ giấy, túi ni-lông đến vỏ lon, chai bia. Đến trưa, họ chở hàng về phân loại để bán rồi ăn cơm và nghỉ ngơi. Đầu giờ chiều, họ lại tiếp tục công việc cho đến khuya.

Những người nhặt phế liệu ở bãi rác Rù Rì, TP Nha Trang 
Ảnh: KỲ NAM
Những người nhặt phế liệu ở bãi rác Rù Rì, TP Nha Trang Ảnh: KỲ NAM

Theo bà Đặng Thị Đều (45 tuổi, quê Quảng Ngãi), nhặt ve chai cũng... chia “giai cấp”. “Tầng lớp dưới” là những người chuyên đi nhặt ve chai ở các thùng rác, con kênh, công viên… Ai mới vào nghề cũng sẽ đi nhặt như vậy vì không cần vốn, nhiều nhất là người già và trẻ em. Song, đi nhặt như vậy thì tiền kiếm được mỗi ngày cũng không nhiều. “Tầng lớp giữa” là những người có ít vốn, mua ve chai từ các hộ gia đình rồi đem đi bán lại. “Tầng lớp trên” là những người chủ vựa.

Chị Nguyễn Thị Mối (35 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết nhà chỉ có vài sào ruộng, không đủ nuôi sống vợ chồng và 3 đứa con ăn học. Cách đây 8 năm, chị lên Hà Nội ở trọ cùng 3 người bạn làm ve chai, mỗi tháng hết 400.000 đồng tiền phòng. Ăn uống thì hết sức kham khổ, góp gạo và nấu ăn chung, mỗi người khoảng 700.000 đồng/tháng.

“Nhờ trời thương cho sức khỏe, mỗi tháng sau khi trừ tiền ăn ở, tôi cũng gửi được về cho chồng, con dăm triệu đồng để trang trải cuộc sống, học hành” - chị Mối cho biết.

Tại khu đô thị Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, tôi gặp bà Ngô Thị Tươi (48 tuổi, quê huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đang vất vả đẩy xe hàng. “Lên Hà Nội mua ve chai được 7 năm, mỗi ngày tôi chỉ dám tiêu 30.000 đồng tiền ăn cộng với 10.000 đồng tiền nhà trọ. Làm cũng chẳng được bao nhiêu nên khi ế ẩm, nếu có ai gọi thì tôi lại đi dọn dẹp, lau nhà thuê để kiếm 30.000 đồng/giờ” - bà Tươi bộc bạch.

Ba đời nhặt ve chai

Trời sâm sẩm tối, khu ổ chuột ở bãi rác Rù Rì (xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bắt đầu nhộn nhịp. Đèn dầu trong những túp lều rách nát tỏa ra ánh sáng leo lét. Ông Nguyễn Vắng ăn vội miếng cơm nguội rồi lấy đồ nghề gồm bộ đèn, ắc quy, cuốc đinh và túi lớn lật đật lên bãi đón xe rác về. Những bóng người lố nhố nhặt nhạnh ve chai như bị nuốt chửng giữa bãi rác khổng lồ.

Ông Vắng năm nay mới ngoài 50 tuổi nhưng mặt đã già sọm, răng rụng gần hết, thân người gầy guộc, làn da sạm đen. Ông chua xót: “Không học hành, chữ nghĩa không có, tôi đành phải đi nhặt phế liệu. Ngót nghét gần 40 năm trời làm lụng, tôi chỉ đủ nuôi bản thân. Nhiều lúc muốn kiếm vợ đỡ đần nhau nhưng nghe nghề nhặt rác, người ta sợ. Thành ra, đến nay tôi vẫn lủi thủi một mình”.

Trái với ông Vắng, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa đã 3 đời làm nghề nhặt phế liệu. Từ năm 13 tuổi, bà Hoa đã theo cha mẹ qua nhiều bãi rác. Đến nay, bà đã sống ở bãi rác Rù Rì được 24 năm. Cả gia đình bà sống trong túp lều lụp xụp, không điện, không nước; muốn tắm rửa phải đi hàng cây số, nước sạch phải mua.

Cuộc đời bà Hoa như gắn liền với rác: Lấy chồng ở bãi rác, đẻ 2 đứa con trên bãi rác, mẹ của bà cũng chết ở bãi rác. Hai người con lớn cũng nối nghiệp mẹ từ năm 8 tuổi. Con trai lớn lấy vợ, con dâu của bà cũng theo chồng lượm lặt bao bì, chai lọ kiếm sống qua ngày.

“Chúng tôi muốn chuyển nghề nhưng học hành không đến đâu, không biết làm gì để nuôi 5 miệng ăn. Cháu tôi cũng được 2 tuổi rồi nhưng cảnh nghèo cứ bám lấy chúng tôi.  Không lẽ cháu tôi sau này cũng bám lấy bãi rác này mãi sao?” -  bà Hoa buồn bã.

Kỳ tới: Đổi đời nhờ lộc trời

Cay đắng

Nhiều người nhìn những người nhặt ve chai với ánh mắt không mấy thiện cảm. Điều này khiến họ buồn tủi, ngại tiếp túc, chuyện trò với người lạ.

Chị Lê Thị Huyền (36 tuổi, quê Nam Định) kể cách đây vài năm, khi chị đang lúi húi nhặt mấy chai nhựa bị vứt bỏ trước cửa nhà ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, một bà từ trong nhà chửi đổng ra: “Cái bọn ve chai, đồng nát, đi đến đâu là mất đấy, hở cái gì ra là khoắng sạch!”.

“Vẫn biết làm nghề gì cũng có người thế này, thế khác nhưng phần lớn chúng tôi tuy nghèo nhưng không hèn, cũng chẳng bao giờ làm cái việc trái pháp luật, trái lương tâm. Chúng tôi kiếm tiền bằng mồ hôi, nước mắt của mình chứ không phải phường trộm cắp” - chị Huyền chua chát.

 

Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo