Ngày 1-1, ông Nguyễn Văn Minh (SN 1972) và anh Cao Minh Tâm (SN 1977, cùng ngụ thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã bị chôn vùi dưới hầm vàng tại xã Tam Lãnh.
Chết trước mặt vợ
Ngày 2-1, cơn mưa không ngừng trút xuống thôn nghèo nằm nép mình bên dòng sông Bồng Miêu. Khung cảnh tang tóc bao trùm nhà của 2 phu vàng Nguyễn Văn Minh và Cao Minh Tâm.
Nhà của ông Minh và anh Tâm cách nhau chỉ chừng 200 m, gia đình đều thuộc diện khó khăn của xã Tam Lãnh. Ông Minh mất để lại 2 con đang học phổ thông. Anh Tâm cũng có 3 con, trong đó 2 con nhỏ đang học mẫu giáo.
Người thân của 2 nạn nhân cho biết vì cuộc sống khó khăn, vợ chồng họ rủ nhau vào khu vực hầm lò núi Kẽm (thuộc thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh) đào vàng kiếm tiền sắm Tết.
Khoảng 11 giờ ngày 1-1, khi bà Cao Thị Thuận (vợ ông Minh) và chị Trần Thị Truyền (vợ anh Tâm) đang làm máng, 2 người chồng đào quặng ở gần đó thì bất ngờ bị đống đất đá sập xuống đè chết. Dù rất đau đớn khi chứng kiến chồng bị đất đá chôn vùi ngay trước mặt nhưng chị Truyền vẫn cố bò ra miệng hầm, gọi điện thoại cầu cứu. Chính quyền địa phương đã điều động hơn 200 người vào tìm kiếm.
“Khoảng 30 tấn đất đá đã đè lên thi thể 2 nạn nhân, trong đó có một tảng đá nặng khoảng 7 tấn đè lên người anh Tâm. Chúng tôi phải huy động người chẻ tảng đá, đến khoảng 17 giờ cùng ngày mới đưa được thi thể 2 người ra ngoài” - ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Công an xã Tam Lãnh, cho biết.
Theo ông Thanh, khu vực sập hầm vàng nằm ở độ sâu trên 600 m, có tên gọi là Ngách Gió, một nhánh của miệng lò chính do Pháp khai thác để lại. Khu vực này vào tháng 5-2013 từng xảy ra vụ sập hầm khiến 3 phu vàng, gồm ông Trần Viết Hoạt (SN 1964, ngụ xã Tam Lãnh) và 2 người ở huyện Bắc Trà My là Hồ Văn Điền (SN 1994), Hồ Văn Thương (SN 1995) chết ngạt, phải mất nhiều ngày mới tìm thấy thi thể.
Ông Thanh cho biết hầm lò này có 10 cửa chính và hàng trăm ngách nhỏ nên không thể rào hết được. Cách đây không lâu, UBND tỉnh Quảng Nam đã cử lực lượng dùng 50 kg thuốc nổ đánh sập một số miệng hầm nhưng các phu vàng vẫn tìm được các miệng khác để vào bên trong.
Cách chức cũng chịu!
Những năm gần đây, tại tỉnh Quảng Nam liên tục xảy ra các vụ sập hầm vàng dẫn đến chết người nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp căn cơ để ngăn chặn.
Từ năm 2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản nêu rõ xã nào để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép sẽ cách chức chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có ai bị cách chức, trong khi tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn luôn diễn ra.
Theo thống kê sơ bộ, từ tháng 4-2013 đến nay, tại tỉnh Quảng Nam xảy ra trên 10 vụ sập hầm vàng trái phép, cướp đi sinh mạng ít nhất 15 người. Trong đó, 2 huyện Phú Ninh và Phước Sơn là 2 điểm nóng, liên tiếp xảy ra các vụ sập hầm.
Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, thừa nhận nạn khai thác vàng trái phép ở địa phương diễn ra đã lâu, từng có nhiều vụ sập hầm chết người nhưng chính quyền không thể ngăn chặn được. Theo ông Minh, do địa hình đồi núi hiểm trở, lực lượng chức năng mỏng nên địa phương không thể nào truy quét hết người vào núi tìm vàng trái phép. Hơn nữa, do nhà nước đã cấp 365 ha đất trên địa bàn xã này cho Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu, dẫn đến tình trạng người dân thiếu đất sản xuất, buộc phải đi đào vàng cải thiện đời sống.
“Đa số người đi làm vàng ở địa phương là dân nghiệp dư và có cuộc sống khó khăn. Họ tận dụng thời gian rảnh rỗi để đi làm nên không có phương tiện bảo hộ an toàn. Bữa nay mình truy quét thì bữa sau họ tiếp tục làm, xã không thể ngày nào cũng đi truy quét được. Bây giờ có cách chức tôi cũng đành chịu chứ không biết phải làm sao!” - ông Minh trăn trở.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, thời gian qua, huyện đã rất mạnh tay truy quét và tiêu hủy phương tiện của các đối tượng khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, tình trạng đào tìm vàng vẫn luôn diễn ra, nhất là ở các điểm khai thác nhỏ lẻ. Vì thế, nguy cơ sập hầm chết người luôn tiềm ẩn.
Nợ thuế hàng trăm tỉ đồng vẫn hoạt động
Dù đang bị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cưỡng chế thuế bằng cách vô hiệu hóa hóa đơn, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh) vẫn hoạt động. Theo ông Bùi Quang Minh, mỗi ngày có khoảng 100 công nhân làm việc tại nhà máy của công ty này.
Ông Lương Đình Đường, Cục phó Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, cho biết việc cưỡng chế thuế không ảnh hưởng đến chuyện công ty có hoạt động hay không. Tuy nhiên, chắc chắn công ty này sẽ không thể tiêu thụ sản phẩm được vì không có hóa đơn. Hiện Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (đều thuộc Tập đoàn Besra) nợ hàng trăm tỉ đồng tiền thuế.
Bình luận (0)