Kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIII đang diễn ra đúng dịp kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Theo ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - báo chí luôn luôn và kịp thời phản ánh mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có các kỳ họp QH.
Làm tốt chức năng phản biện xã hội
“Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi đến những người làm báo, trong đó có các phóng viên nghị trường, luôn mạnh khỏe, bút sắc - tinh thông nghiệp vụ, lòng trong, tâm sáng và luôn giữ được đôi mắt tinh tường để có tầm nhìn xa với mọi thông tin, vấn đề của đời sống xã hội” - ông Tiến gửi gắm.
Ông Tiến cho rằng báo chí có vai trò rất lớn trong định hướng dư luận. Đặc biệt, báo chí còn có tầm nhìn xa, dự báo những vấn đề tương lai, xu thế phát triển. “Thời gian qua, “binh chủng” báo chí - từ báo viết, báo điện tử, báo hình đến báo nói, báo ảnh - đã phản ánh trung thực, khách quan hoạt động của đời sống xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu, đòi hỏi thông tin của xã hội ngày càng cao nên báo chí cần năng động, nhạy cảm và mạnh mẽ hơn nữa” - ông đề nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hà Minh Huệ, nhìn nhận bên cạnh việc hoàn thành chức năng của báo chí là tuyên truyền, cổ vũ thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước thì trong nhiều năm qua, báo chí còn làm tốt chức năng phản biện xã hội, nhất là đã tham gia tích cực trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí đã phanh phui nhiều vụ tham nhũng, tìm ra căn nguyên, thủ phạm, có lúc đề ra được hướng xử lý những vụ tiêu cực đó.
Cầu nối Quốc hội - cử tri
Theo ông Lê Như Tiến, mỗi kỳ họp QH không thể thiếu báo chí. Ngược lại, nội dung của các kỳ họp cũng là thông tin nóng, hấp dẫn trên mặt báo và đối với cử tri. “Có thể nói báo chí là cầu nối giữa QH và nhân dân. Đây là mối quan hệ qua lại, cần nhau, không thể thiếu lẫn nhau” - ông nhận xét.
Trong nhiều kỳ họp QH, có rất nhiều vấn đề mà báo chí nêu là thông tin đầu vào, tương tác 2 chiều để đại biểu QH bám sát hơn thực tế đời sống, giúp cho những quyết sách lớn có tính thực tiễn cao và được nhân dân đón nhận. Ông Tiến dẫn chứng: “Các chuyên mục, bài viết trên báo chí đã bồi đắp thêm đánh giá, nhận định của đại biểu QH như vấn đề giao, cho thuê, thu hồi đất… của dự án Luật Đất đai sửa đổi. Vai trò của báo chí cũng được khẳng định trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, 1 điều được nhiều đại biểu đề nghị phải đưa vào luật là báo chí có quyền thông tin, phản ánh hiện tượng lãng phí”.
Theo ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH TP Hải Phòng, chính sự tiếp cận trực diện và chuyển tải kịp thời diễn biến nội dung các kỳ họp của QH đã cho thấy vị trí và đóng góp rất lớn của lực lượng báo chí. “Với nhiều đại biểu QH, việc trả lời phỏng vấn cơ quan báo chí cũng là cách để nói lên tâm tư, nguyện vọng của cử tri địa phương mình phụ trách, về những vấn đề dư luận quan tâm. Vì vậy, việc tương tác giữa đại biểu và các phóng viên là điều cần thiết” - ông nhận xét.
Đối diện nhiều khó khăn
Người làm báo ngày nay đối diện với không ít khó khăn. Nhiều phóng viên đã bị hành hung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; bị đập phá, thu giữ phương tiện hành nghề, cản trở quá trình tác nghiệp... “Đây là hiện tượng rất không bình thường. Tôi đã lên án nhiều lần và cũng nhiều lần đề nghị các cơ quan nội chính phải xử lý thật nghiêm những hành vi này. Bởi lẽ, tác nghiệp của nhà báo cũng chính là thi hành công vụ” - ông Lê Như Tiến khẳng định.
Ông Hà Minh Huệ cho rằng hành hung hoặc ngăn cản nhà báo tác nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật. “Nhà báo có quyền được tác nghiệp một cách hợp pháp theo đúng pháp luật. Hiện Hội Nhà báo Việt Nam đang tìm hướng đề xuất chỉnh sửa luật để quy định tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ. Khi đó, việc xử lý những hành vi ngăn cản, tấn công nhà báo tác nghiệp là cản trở người thi hành công vụ” - ông Huệ cho biết.
Tuy nhiên, là người trong nghề, ông Huệ cho rằng đôi lúc cũng có nhà báo vi phạm pháp luật, chưa tác nghiệp đúng quy định, chưa thấy rõ quyền của mình tới đâu... nên có phần quá đà. “Vì thế, ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, rèn nghề thì nhà báo cũng cần nâng cao trình độ nhận thức chính trị để tác phẩm được nâng tầm, có chất lượng hơn và đưa đến một thông điệp rõ ràng, chính xác” - ông Huệ nhìn nhận.
Chuyển tải nguyện vọng của người dân Ông Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai, đánh giá nhiều năm qua, báo chí luôn sát cánh cùng nhân dân, cử tri cả nước để kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con một cách trung thực, khách quan. “Với cử tri và nhân dân tỉnh Đồng Nai, báo chí nói chung, trong đó có Báo Người Lao Động, đã đồng hành phản ánh kịp thời, chính xác, trung thực về những quan ngại đối với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Việc Báo Người Lao Động đeo bám để phản ánh khách quan, trực diện, đồng thời mổ xẻ những bất cập, hệ lụy về môi trường, sinh cảnh mà 2 thủy điện này có thể gây ra cho Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng như vùng hạ lưu là đúng với nguyện vọng của nhân dân Đồng Nai” - ông Vở nhấn mạnh. |
Bình luận (0)