xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cá biển miền Trung vẫn bị “treo”

QUANG NHẬT - TRẦN THƯỜNG

Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận vùng biển 4 tỉnh miền Trung xảy ra hiện tượng cá chết đã an toàn nhưng câu hỏi cá biển khu vực này ăn lại được chưa, an toàn hay không thì vẫn chưa có câu trả lời

Ngày 22-8 tại Quảng Trị, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã tổ chức hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Biển đã hết ô nhiễm

GS-TS Mai Trọng Nhuận - ĐHQG Hà Nội, thay mặt nhóm chuyên gia nghiên cứu - trình bày báo cáo tại hội nghị. Theo đó, dựa vào việc phân tích trên 1.400 mẫu nước, trầm tích được lấy vào tháng 5, 6 và mẫu kiểm chứng vào tháng 8, đối chiếu với QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển cho thấy về cơ bản, các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng coliform đều nằm trong giới hạn cho phép.

Về nguyên nhân gây nên sự cố môi trường biển do sắt, tổng phenolcyanua, báo cáo chỉ rõ đối với hàm lượng sắt, kết quả quan trắc vào tháng 6 chỉ còn 1,8% mẫu vượt giới hạn cho phép (tháng 5 là 3,8%), giá trị vượt không nhiều và chủ yếu là mẫu tầng đáy. Còn hàm lượng cyanua vào tháng 6 giảm rất nhiều so với tháng 5, đều nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN. Riêng thông số tổng phenol, nếu trong tháng 5 hầu như không phát hiện hoặc có giá trị thấp (2-10 mg/lít) thì đến tháng 6 tăng lên với 2,7% mẫu vượt giới hạn cho phép (chủ yếu mẫu tầng đáy); đến thời điểm này thì giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.


Nhiều tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh chuẩn bị ra khơi đánh bắt Ảnh: Đức Ngọc

Nhiều tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh chuẩn bị ra khơi đánh bắt Ảnh: Đức Ngọc

Về trầm tích, kết quả phân tích 29 mẫu vào tháng 5 và 146 mẫu bề mặt, 16 điểm mẫu cột trầm tích vào tháng 6 cho thấy cơ bản các thông số được quy định trong QCVN 43:2012/BTNMT về chất lượng trầm tích đều có giá trị nằm trong giới hạn. Còn về hệ sinh thái, vào thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết, các rạn san hô là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất, với 100% rạn san hô trong khu vực khảo sát đều có dấu hiệu bị tẩy trắng, nhóm san hô cành hầu hết bị chết hàng loạt. Điển hình, khu vực hòn Sơn Dương - Hà Tĩnh (điểm đầu), tỉ lệ san hô chết cao nhất khoảng 90%. Cùng với đó, sinh vật trên rạn san hô còn rất nghèo nàn, mật độ cá rất thấp; rải rác bắt gặp các loài cá chết trong các hang, hốc san hô. Tuy nhiên, đến tháng 6 và 7, không còn xảy ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng, dần phục hồi tự nhiên, ấu trùng san hô bắt đầu định cư và phát triển trên nền đáy rạn; cá nhỏ và các động vật đáy cỡ lớn khác trên các rạn san hô đã có dấu hiệu phục hồi tích cực với mật độ cao hơn hẳn giai đoạn trước.

Theo GS-TS Mai Trọng Nhuận, kết quả đánh giá khẳng định chất lượng môi trường nước và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

Bao giờ công bố hải sản an toàn?

Sau khi đại diện Bộ TN-MT công bố hiện trạng biển miền Trung, nhiều ý kiến cho rằng chương trình giám sát, phân tích lần này rất kỳ công. “Chúng tôi đánh giá kết quả phân tích này rất đáng tin cậy” - TS Friedhelm Schroeder thuộc Viện Nghiên cứu về vật liệu và Quản lý bờ biển Đức nhìn nhận.

Dù thế, cũng có nhiều ý kiến còn băn khoăn với các nội dung của kết luận. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nêu thắc mắc trong kết luận có nói môi trường có cơ chế tự phục hồi, vậy việc phục hồi sau ô nhiễm là do bay hơi, hòa tan hay phát tán? Ông Phương còn băn khoăn với kết luận ngưỡng giá trị các độc tố như phenol, cyanua theo tiêu chuẩn Việt Nam thì chưa có nhưng vẫn khẳng định nằm trong giới hạn cho phép, vậy giới hạn này là giới hạn nào?

PGS-TS Nguyễn Văn Hợp, Trường ĐH Khoa học Huế, cho rằng trong kết luận có nhiều vấn đề chưa được làm rõ, như trước thời điểm xảy ra sự cố, Formosa xử lý nước thải như thế nào? Khi xảy ra sự cố, Formosa đã thải ra môi trường bao nhiêu tấn phenol, cyanua?... Theo ông Hợp, kết luận còn “quá chung chung”, “quá khó hiểu” bởi những câu hỏi như độc tố trong thủy hải sản gồm những chất gì, giảm đến mức nào, so với các vùng không bị ô nhiễm ra sao thì chưa được làm rõ.

Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết tại kết luận có lưu ý khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh) với diện tích khoảng 300 km2, cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác nhưng nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, cá biển người dân đánh bắt ở những khu vực này đã ăn được chưa? Ông Ngân nhấn mạnh: “Câu hỏi này chúng tôi đã đặt ra rất nhiều lần, hỏi rất nhiều người và đến thời điểm này vẫn chưa trả lời được”.

Về vấn đề quan trọng này, ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, nói: “Sau khi Bộ TN-MT công bố vùng biển an toàn, Bộ Y tế sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát về chất lượng hải sản. Còn khi nào có kết luận cuối cùng thì chúng tôi sẽ thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có thông báo cụ thể”.

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Chờ đánh giá của Bộ Y tế

Tới đây, các nhà khoa học sẽ xác định cụ thể địa danh, vùng biển an toàn để người dân nắm rõ, phục vụ cho việc đánh bắt thủy hải sản, du lịch tắm biển và các hoạt động thể thao. Về bơi lội, tắm biển và nuôi trồng thủy sản, dưới góc độ khoa học, tôi thấy an toàn tuyệt đối, trừ các vùng biển mà các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo. Riêng vấn đề an toàn hải sản, chúng ta phải chờ đánh giá từ Bộ Y tế dựa trên các kết quả chính xác, khoa học, dựa trên các quy chuẩn nên cần thời gian.

Kỷ luật tổ chức, cá nhân để Formosa gây ra sự cố môi trường

Ông Phạm Quang Đệ, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh, cho biết hôm nay (23-8), Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh có văn bản chính thức báo cáo kết quả kiểm điểm những tổ chức, cá nhân của sở này liên quan đến việc để Formosa gây ra sự cố môi trường và chôn lấp rác thải trái phép.

Trước đó, tại một cuộc họp của Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, đã tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách; ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan, cá nhân liên quan xin rút kinh nghiệm.

Đ.Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo