Liên quan đến tình trạng cá chết bất thường tại miền Trung những ngày qua, chiều 22-4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm, thống kê thiệt hại
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ NN-PTNT hướng dẫn UBND các tỉnh bị ảnh hưởng phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở trung ương xác định nguyên nhân; thu gom, xử lý cá chết, không để ô nhiễm môi trường; thống kê thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Vũ Thanh Ca, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng hiện tượng cá biển chết hàng loạt là một trong những thảm họa môi trường. Các thống kê cho thấy từ đầu năm 2016 đến nay, đã có hơn 30 vụ cá biển chết hàng loạt trên thế giới. Tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều và chủ yếu liên quan tới ô nhiễm môi trường biển.
Ông Ca cũng chỉ ra rằng các nguyên nhân làm cá biển chết hàng loạt bao gồm sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ (ví dụ nhiệt độ tăng đột ngột làm chết hàng loạt loài cá ưa lạnh hoặc nhiệt độ giảm đột ngột làm chết các loài cá ưa nóng); rò rỉ chất ô nhiễm (ví dụ ô nhiễm dầu), hiện tượng bùng phát của tảo độc; hiện tượng cạn kiệt ôxy do phân hủy chất hữu cơ trong tầng nước sâu hoặc những ngày nóng nực, lặng sóng (rất khó có sự trao đổi nước giữa tầng mặt và các tầng nước sâu); dịch bệnh do vi trùng, virus hoặc ký sinh trùng và các chất độc hại do ô nhiễm nước biển gây ra…
Trong các nguyên nhân kể trên, sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ nước biển và hiện tượng cạn kiệt ôxy trong nước biển được coi là lớn nhất. Ông Ca lưu ý việc cá chết vừa qua trùng vào những ngày rất nóng và biển khá lặng nên gió không đủ tạo ra sự xáo trộn mạnh mẽ của nước biển.
“Cũng cần chú ý các điều kiện khí tượng hải văn, môi trường biển hiện thay đổi rất nhiều so với các điều kiện tại thời điểm xảy ra cá chết. Để có kết luận xác thực về nguyên nhân, cần phải tính toán, đánh giá, dựng lại những điều kiện tại thời điểm gây ra cá chết” - ông Ca đề nghị.
Độc tố đi theo dòng chảy
Ông Lê Thanh Lựu - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN-PTNT), hiện là Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) - nhận định nguyên nhân cá chết hàng loạt nhiều khả năng do ô nhiễm. Ông bác bỏ nguyên nhân do tảo biển độc hại gây ô nhiễm hoặc ảnh hưởng của động đất xảy ra liên tiếp ở Myanmar, Nhật Bản trong hơn 2 tuần qua.
“Theo thông tin trên báo chí, trong số những loài cá chết có cá mú là loài sống ở vùng san hô, vùng đá, môi trường sinh thái rất sạch. Khi loài này chết hàng loạt thì phải có một dòng ô nhiễm rất nặng hoặc một loại chất kịch độc chảy ra và lan dưới đáy biển” - ông Lựu phân tích. Theo ông, cá bắt đầu chết ở Hà Tĩnh rồi lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Như vậy, đây là dòng chảy lớn và độc tố đi theo nên gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt với số lượng lớn. Nếu là chất độc thì phải cực độc.
Các chuyên gia của Bộ TN-MT cho biết việc lấy mẫu cá chết không dễ bởi đại dương rất phức tạp. Khi lấy mẫu còn phải kết hợp xem hải văn như thế nào, nguồn nào ô nhiễm, có khả năng ô nhiễm. Hiện tượng này rất bất thường vì cá chết có cả cá nuôi trong lồng, cá tự nhiên tầng mặt và tầng đáy nên việc xác định nguồn ô nhiễm từ đâu không phải đơn giản.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong ngày 22-4 đã có công văn hỏa tốc gửi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) về việc cử đoàn công tác làm việc về tình hình bảo vệ môi trường tại công ty này; thời gian làm việc từ ngày 26-4.
Làm rõ nghi vấn đường ống xả thải
Chiều 22-4, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan như công an, biên phòng… kiểm tra, làm rõ các thông tin báo chí nêu về nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng.
“Nếu đúng, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu.
Formosa xả thải: “Đã được cấp phép, kiểm tra”
Ngày 22-4, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, cho biết: “Khi nghe thông tin cá chết, anh em có vào Formosa kiểm tra. Các số liệu chuẩn xác, không có vấn đề gì. Việc lấy mẫu nước, các cơ quan chức năng đang làm và đang chờ kết luận”.
Về việc ngư dân phát hiện một đường ống có đường kính 1 m, kéo dài 1,5 km từ Formosa xả nước thải ngầm thẳng ra biển, ông Tuấn cho biết việc xả nước thải này đã được cấp phép, nhiều cơ quan đã vào kiểm tra lấy mẫu. Quá trình xả thải được giám sát tự động và vẫn được giám sát thường xuyên, định kỳ; các mẫu kiểm tra từ trước đến nay đều đạt chuẩn.
Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trước đây sở đã kiểm tra, sau đó có văn bản đề nghị Bộ TN-MT vào kiểm tra vì là ngành chủ quản và có thiết bị hiện đại hơn. Hiện đoàn của Bộ TN-MT đang làm việc với Formosa.
Trong ngày, nhiều xác cá chết vẫn trôi dạt vào khu vực biển thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Tại tỉnh Quảng Bình, Huyện đoàn Quảng Ninh đã tổ chức lực lượng phối hợp với dân địa phương thu dọn cá chết dọc bãi biển xã Hải Ninh và gom được hơn 3 tạ cá chết chỉ trong phạm vi 5 km.
Cùng ngày, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết trong khoảng 1 tuần qua, ngư dân tỉnh này đã thu gom, xử lý khoảng 30 tấn cá chết. Nơi thu gom được nhiều nhất là thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh với khoảng 20 tấn.
Trong khi đó, đoàn kiểm tra của Bộ NN-PTNT do bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản - Tổng cục Thủy sản, làm trưởng đoàn cùng đại diện Viện Nghiên cứu Hải sản - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã đến tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Tham gia đoàn còn có cán bộ của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an.
Đoàn đã kiểm tra, lấy mẩu nước tại bờ biển xã Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế; tham vấn cho chính quyền địa phương và người dân những thông tin liên quan đến cá chết cũng như kiểm tra hiện trường. Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, cho biết dòng nước biển ở xã này đã ổn định trở lại, một số điểm lúc trước có mùi hôi thì nay không còn và hiện tượng cá chết cũng giảm hẳn.
Trước yêu cầu cung cấp mẫu cá chết cho đoàn, ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện cá chết không xảy ra. Xác cá chết trước đó đã phân hủy trong khi cơ quan này không lưu trữ, bảo quản nên không có mẫu để cung cấp. Theo ông Bình, trước khi cá chết xảy ra hàng loạt ở miền Trung, cá nuôi ở Lăng Cô cũng bị chết nhưng chỉ vài ngày là kết thúc.
Ông Nguyễn Văn Phúc, ngư dân xã Lộc Vĩnh, đã tình nguyện dẫn đoàn kiểm tra đến các khu vực có cá chết. Ông và nhiều người khác cho biết đã phát hiện nhiều váng chất lỏng, có bọt, màu vàng nổi lềnh bềnh trên biển trong ngày đầu tiên (15-4) phát hiện cá chết dạt vào bờ. Theo ông Phúc, chất váng bám vào lưới của ông, vị trí xuất hiện hiện tượng này cách cầu cảng Chân Mây chừng 500 m. Nhiều người cũng cho biết thấy dòng chất váng đó kéo dài dọc bờ biển nhưng chỉ xuất hiện trong 1 ngày thì biến mất.
Trong một diễn biến khác, đến tối 22-4, Trạm Y tế xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận hơn 20 ca cấp cứu với triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nghi là ngộ độc thực phẩm. Theo những bệnh nhân, trưa 21-4, họ dự lễ khai trương nhà hàng Bảo Quốc đóng trên địa bàn xã Phúc Trạch. Trong bàn tiệc có nhiều món hải sản. Hầu hết những người tham dự đều bị đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Theo nhiều người, số hải sản này được mua từ huyện Quảng Trạch, nơi có rất nhiều cá biển chết bất thường gần nửa tháng qua.
Đức Ngọc - Hoàng Phúc - Quang Tám
Bình luận (0)