Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ngày 3-10 đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương kiểm tra làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Tây.
Cá to chết nhiều
Cá ở hồ Tây đã chết hàng loạt trong ngày 2-10. Mặc dù ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã lắp đặt cả chục máy sục khí xuống hồ để tạo ôxy song cá vẫn không có dấu hiệu ngừng chết. Đến sáng 3-10, tại khu vực hồ phía đường Trích Sài, Nguyễn Đình Thi, cá chết nổi trắng ven bờ, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Trưa 3-10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có mặt tại trạm chỉ huy dã chiến trên đường Nguyễn Đình Thi để chỉ đạo khắc phục sự cố. Ông Nguyễn Đức Chung cho biết tính đến sáng 3-10, đã có khoảng 60 tấn cá chết tại hồ Tây. TP Hà Nội đã huy động các lực lượng bộ đội, công an, vệ sinh môi trường… nỗ lực thu gom số cá chết để đưa đi tiêu hủy.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, sau khi tiến hành các biện pháp ngăn ngừa nguồn ô nhiễm và dùng máy bù ôxy cho nước hồ thì cá chết phát sinh trong sáng 3-10 gần như không có mà chủ yếu chết là từ ngày 2-10. Tuy nhiên, số cá chết là loại to hơn so với trước đó, có con tới 5-7 kg.
“Nguyên nhân gây cá chết ban đầu được xác định do nước thiếu ôxy, cụ thể là ôxy bằng 0. Còn nguyên nhân nào gây ra mất ôxy trong nước thì đơn vị chức năng đang làm rõ” - ông Chung nhấn mạnh.
Từ sự cố cá chết trắng hồ Tây, ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các quận - huyện kiểm tra, giám sát chặt tình hình các ao, hồ trên địa bàn để có biện pháp kịp thời.
Xả thải trực tiếp ra hồ
Hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây khiến nhiều người lo ngại mức độ ô nhiễm nghiêm trọng tại “lá phổi xanh” của thủ đô.
TS Bùi Quang Tề - chuyên gia đầu ngành về bệnh thủy sản, nguyên Trưởng Phòng Sinh học Thực nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I - cho rằng TP Hà Nội đã để các chất độc, các chất thải hữu cơ đổ vào hồ Tây quá mức cho phép. Khi các chất thải hữu cơ có nhiều trong hồ, chúng sẽ hút ôxy để phân hủy. Theo ông, đó là nguyên nhân gây cá chết ở hồ Tây.
“Trước tiên, phải dừng việc xả thải trực tiếp xuống hồ của tất cả nhà hàng, quán ăn ven hồ Tây. Ngoài ra, cần kiểm tra xem tất cả chất thải sinh hoạt của những cư dân, doanh nghiệp ven hồ Tây được đổ đi đâu?” - ông Tề góp ý.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, có rất nhiều nhà hàng nổi đang hoạt động ven hồ Tây ở khu vực đường Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi, Nhật Chiêu… Đáng chú ý, những nhà hàng này đều có nhà vệ sinh, nhà bếp song không có đường ống xả thải nào nối với hệ thống xả thải chung. Cùng với đó, ven hồ Tây phía đường Quảng Bá, Từ Hoa Công Chúa, Yên Hoa… có hàng chục cống xả nước thải ra hồ; nhiều cống nước đục ngầu, bốc mùi hôi thối. Theo người dân ở đường Yên Hoa, những cống này là ống nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân và nhà hàng trong khu vực. Tất cả nước thải đều trực tiếp đổ ra hồ Tây.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, cho biết sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng của quận đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiểm tra một số nhà hàng song không có dấu hiệu vi phạm xả nước ra môi trường. Các đơn vị chức năng đang rà soát để kiểm tra các ống cống dân sinh trong khu vực.
Thu gom 76 tấn cá chết
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đến cuối ngày 3-10, lượng cá chết tại hồ Tây được thu gom lên đến 76 tấn.
Cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng TP cử 10 đội phòng chống dịch cơ động với đầy đủ các phương tiện, máy móc, hóa chất, nguồn nhân lực khẩn trương có mặt tại hiện trường cùng với các lực lượng của thành phố tập trung phun thuốc khử khuẩn xác cá chết, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ, phòng chống dịch bệnh. Mặt khác, tiến hành điều tra dịch tễ học, lấy mẫu xét nghiệm nước hồ Tây và các hồ, nguồn nước lân cận để tìm nguyên nhân cá chết.
Bình luận (0)