Thực ra, tình trạng này không mới, chỉ có điều khi báo chí nêu lên sự thật thì câu chuyện mới trở thành đề tài để nói, để quan tâm, để lo âu về tình hình địa phương, rộng ra là cả nước. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân gây cản trở tiến trình phát triển của đất nước là tình trạng cả họ làm quan.
Sử sách chép rằng triều đại nhà Nguyễn quy định rõ: Phàm là một vị quan đầu tỉnh, đầu huyện được triều đình bổ nhiệm thì phải đi nhận nhiệm vụ ở địa phương khác, không được cầm quyền tại quê hương bản quán của mình; không được để vợ con, anh em họ hàng làm trong bộ máy do vị quan ấy lãnh đạo… Vậy là từ xa xưa, nhà lãnh đạo đã nhận diện tình trạng cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, lợi ích gia tộc đe dọa đến sự phát triển, phồn vinh và ổn định của đất nước như thế nào.
Nay, để ngăn chặn tình trạng này, Quốc hội cần sớm xây dựng dự thảo và tổ chức trưng cầu ý dân để sớm ban hành luật về tuyển chọn, bổ nhiệm và sử dụng lãnh đạo trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước.
Về “vụ cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức, chính quyền TP Hà Nội không nên im lặng. Những người có trách nhiệm cần đối diện với sự thật và đưa ra giải pháp kịp thời; nếu sai nguyên tắc thì cần xử lý kỷ luật, nếu cán bộ đủ tiêu chuẩn thì nên sớm điều động sang địa phương khác, không để như vậy nhằm tránh gây mất niềm tin trong dư luận quần chúng. Và sau khi xử lý xong, cần tổ chức họp báo và cung cấp thông tin công khai cho báo chí, đồng thời đăng thông cáo báo chí lên trang thông tin điện tử của UBND TP Hà Nội để người dân cùng biết.
Hy vọng chính quyền thủ đô đi đầu và làm gương cho các địa phương khác bằng tinh thần hết sức cầu thị vì rất có thể không riêng ở đây mà tại nhiều tỉnh - thành cũng có tình trạng “cả họ làm quan”.
Bình luận (0)