Theo Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến cá tra xuất khẩu các tỉnh, thành ở ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu hiện tại, từ 21.500 - 22.000 đồng/kg (thấp hơn giá thành ít nhất 1.000 đồng/kg), đã khiến nhiều ao nuôi cá ở khu vực này tiếp tục bị treo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu sẽ lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu.
Quá nhiều yếu tố bất lợi
Tại huyện Châu Phú - An Giang, hầu hết hộ nuôi cá tra đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, càng nuôi thì càng lỗ. Có người muốn bỏ nghề nhưng lại sợ bị ngân hàng hoặc những hộ cho vay nặng lãi bên ngoài xiết nợ. Theo nhiều hộ nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa, với giá cá tra nguyên liệu như hiện nay, sau khi bán cá, chắc chắn họ phải bán luôn cả ao nuôi mới có thể giải quyết được nợ nần. Ông Lê Văn Sền, một hộ nuôi cá ở đây, cho biết sở dĩ hiện nay nhiều hộ đã bỏ nghề vì chi phí chăn nuôi cá không ngừng tăng cao. Trong khi đó, người nuôi phải bán cá dưới giá thành trong thời gian dài dẫn đến thua lỗ nặng.
Theo ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản huyện Vĩnh Thạnh - TP Cần Thơ, từ trước đến nay, các xã viên trong HTX luôn duy trì 32 ha mặt nước nuôi cá tra, sản lượng bình quân khoảng 500 tấn/ha. Nếu so với giá cá nguyên liệu như hiện nay, người nuôi cầm chắc lỗ từ 500 - 750 triệu đồng/ha. Để giảm bớt khó khăn, bước sang năm 2013, phần lớn xã viên chuyển sang nuôi gia công cho các DN chế biến xuất khẩu ở địa phương. Theo đó, người nuôi chỉ tốn chi phí mua con giống và công chăm sóc, DN sẽ cung ứng thức ăn cho cá. Nhờ vậy, người nuôi không phải chịu lãi suất từ 12% - 17%/tháng như trước đây khi mua thức ăn trả chậm ở các đại lý…
Thừa công suất khắp nơi
Theo phản ánh của nhiều DN chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL, phần lớn các nhà máy ở đây đang thừa công suất hoạt động do thiếu vốn mua cá. Trong khi đó, các ngân hàng lại đang siết chặt tín dụng vì sợ rủi ro. Chính vì thế, đã có không ít DN phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng để giữ công nhân.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Hùng Vương, không chỉ khâu chế biến mà các nhà máy sản xuất thức ăn cho cá và chế biến phụ phẩm từ cá tra cũng thừa công suất lớn. Điều này khiến DN luôn gặp khó khăn khi phải lấy vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Từ đó, buộc DN phải bán sản phẩm với giá thấp để quay nhanh vòng vốn, gây hệ lụy dây chuyền.
Theo kiến nghị của ông Minh, trong năm 2013, ngành chức năng cần sớm đưa cá tra vào nhóm ngành có điều kiện để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, đồng thời xử lý mạnh tay những DN không đủ tiêu chuẩn hoặc làm ăn gian dối… để giữ uy tín cho sản phẩm cá tra Việt Nam
Ông Nguyễn Trung Tran, Giám đốc Công ty CP An Xuyên (An Giang), cho biết DN này đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn từ thu mua cá cho đến chế biến xuất khẩu. Trong khi công suất chế biến lên đến 70 tấn/ngày nhưng Công ty CP An Xuyên chỉ gia công được khoảng 30 tấn/ngày. Đã vậy, nguyên liệu cũng chỉ đủ để hoạt động không quá 15 ngày/tháng. “Hiện chúng tôi cần khoảng 50 tỉ đồng để thu mua nguyên liệu, đẩy công suất nhà máy lên nhưng rất khó tiếp cận vốn vì ngân hàng luôn yêu cầu DN phải có tài sản thế chấp và phương án kinh doanh hiệu quả. Đây là điều kiện quá khó đối với DN trong thời điểm lỗ lã như hiện nay” - ông Tran than vãn.
Liên kết tìm đường sống Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, cho biết hiện nay, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra vẫn chưa có gì cải thiện. Giải pháp trước mắt là các địa phương trong khu vực cần phải quy hoạch lại ngành nuôi cá tra để tránh lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu như đã xảy ra. Cùng với đó, DN phải liên kết với nông dân để giảm bớt khó khăn về vốn cho người nuôi. Khi liên kết này mang lại hiệu quả, ngân hàng chắc sẽ mạnh dạn cho vay. |
Bình luận (0)