icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cá tra lại chết hàng loạt

Bài và ảnh: Thúy Hằng

Những ngày qua, tại nhiều tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, cứ tờ mờ sáng có nhiều người ra đứng trên bờ ao, tay cầm vợt để vớt xác cá tra chết. Hầu hết cá chết đều có hiện tượng gan, thận bị mủ.

Nhiều người trắng tay!

Ngày 3-1, chúng tôi đến hầm cá tra của anh Trương Văn Sang nằm ven vàm kênh xáng Vịnh Tre, ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Từ sáng sớm, anh đã huy động toàn bộ người trong gia đình ra vớt cá chết nổi lều bều trắng xóa trên mặt nước. “Cá bắt đầu chết từ ngày 31-12-2006 đến nay, mỗi ngày tôi phải vớt khoảng 70 – 80 kg cá chết. Những con cá chết còn chìm dưới đáy ao chưa thể đếm được. Toàn bộ hầm nuôi ước sản lượng khoảng 45 tấn, tôi dự kiến 2 tuần nữa sẽ thu hoạch, nhưng cá chết với mức độ này chẳng bao lâu trong ao chỉ còn có... nước” - anh Sang than thở.

Băng qua sông Hậu, chúng tôi đến vùng nuôi cá tra lớn nhất huyện Phú Tân, tỉnh An Giang là 2 xã Phú Bình và Hòa Lạc. Cảnh tượng nơi đây càng thê thảm. Tại tổ 9, ấp Bình Phú 1, xã Phú Bình, trong ao nuôi 50.000 con giống của anh Võ Minh Lộ, cá chết gần nửa tháng nay, mỗi ngày đến cả ngàn con. Ao của anh La Văn Hạp, tổ 2, ấp Hòa An thả 150.000 con (cá đạt trọng lượng khoảng 5 con/kg) thì trên 25.000 con chết chỉ trong vài ngày. Đến ao nuôi cá của anh Chiêm Hán Phú, tổ 22, ấp Hòa Bình, chúng tôi còn nhìn thấy xác cá nổi lều bều trắng cả nước. Anh nói: “Trắng tay rồi mấy anh ơi! Cá đã đạt 2 con/kg, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là bán được rồi. Tiền thuốc đã tốn không biết bao nhiêu nhưng vẫn không trị nổi”.

Thiệt hại nặng nề

Tại cù lao Phú Thuận thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, vùng chuyên ươm nuôi và sản xuất cá tra giống lớn nhất của địa phương này, nhiều ngư dân thở dài, rầu rĩ vì cá chết. Anh Trần Hữu Nghị, chủ cơ sở sản xuất cá tra bột Hữu Nghị (ấp Phú Thạnh A, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự), cho biết 90% dân cư xã Phú Thuận A sinh sống bằng nghề lai tạo, ươm nuôi và nhân giống cá tra cung cấp cho thị trường nhiều tỉnh. Hiện nay đã có 30% cơ sở ươm cá giống bị thiệt hại nặng do cá chết. Gia đình ông Phan Văn Khởi thả ươm khoảng 1 triệu con giống, nuôi gần 2 tháng thì cá ngã bệnh và chết 300.000 con chỉ trong 2 ngày, thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Xứ, cùng xã Phú Thuận A, thả ươm 200.000 con cá giống, nuôi được gần 3 tháng thì cá bị bệnh chết, nay chỉ còn khoảng 10.000 con, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hộ ông Nguyễn Hồng Khê ở ấp Thới Bình B, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ cũng có cá chết nhiều. Trong xã Thới Thuận, 2 ấp có số hộ bị thiệt hại nặng nhất là Thới Bình A và Thới Bình B. Hộ nào ít thì vài trăm con, hộ nhiều thì vài ngàn con.

Ăn không được, bán không xong, nhiều nơi phải vớt cá bỏ trên thành ao, gây ô nhiễm trầm trọng. Tại ao của anh Nguyễn Văn Tư (tổ 3, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, An Giang) có 2 hầm cá bị chết khoảng 50 kg trong một ngày. Hầm cá lớn chết anh vớt lên bán, còn ao cá nhỏ anh vớt bỏ thí trên thành ao, gây hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bu đầy.

Môi trường nước chưa được xử lý đúng

Ngày 3-1, ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở Thủy sản An Giang, cho biết chuyện cá tra chết hàng loạt rơi trúng vào thời điểm mà ngành thủy sản đã khuyến cáo ngư dân cần hạn chế thả nuôi vì dịch bệnh. Thông thường, trong một năm sẽ có 2 thời điểm nguy hiểm mà người nuôi cá tra cần quan tâm, đó là vào khoảng tháng 7 và tháng 12. Trong khoảng tháng 7, nước lũ bắt đầu lên (nước quay), môi trường có sự thay đổi lớn, dễ gây sốc cho cá nuôi. Còn thời điểm tháng 12 là giai đoạn nước lũ rút, các chất thải từ đồng ruộng như thuốc bảo vệ thực vật và nhiều tạp chất khác sẽ ra sông, kênh, rạch làm thay đổi môi trường nước dễ làm chết cá.

Việc cá chết có hiện tượng gan, thận bị mủ, do môi trường nước chưa được xử lý đúng.

Thừa Thiên -Huế:

Nhiều loại cá chết chưa rõ nguyên nhân

Ngày 3-1, UBND xã Hương Vân đã có tờ trình gửi UBND và đơn vị chức năng huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề nghị sớm kiểm tra, xác định nguyên nhân làm cá chết hàng loạt tại xã này.

Trước đó, vào tháng 12-2006, gia đình ông Hồ Thiệu ở thôn Long Khê, xã Hương Vân thả nuôi 2.000 con cá trắm cỏ tại hồ Nông Hội, nhưng một ngày sau đều bị chết. Những loài cá khác trong hồ cũng vậy. Ngày 2-1-2007, sau khi xử lý, vệ sinh hồ, ông Thiệu thay nước và tiếp tục thả 100 con cá mè, nhưng 30 phút sau cá chết hàng loạt. Thiệt hại qua hai lần thả cá khoảng 4 triệu đồng. Ông Hội cho biết, gần đây nước hồ luôn thay đổi màu sắc, từ trắng đục sang xanh lục, khi nước bắn vào mắt thấy cay. Ngay trên hồ cá là một khe nước nhỏ chảy từ cụm khu công nghiệp - làng nghề Tứ Hạ, nước có màu vàng đậm.

Ông Nguyễn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vân, cho biết nước hồ Nông Hội được hòa vào trạm cấp nước HươngVân phục vụ sinh hoạt của người dân toàn xã nên bà con rất lo lắng trước tình trạng này.

X.Hồng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo