Chiều 23-10, bác sĩ (BS) Từ Phương Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bình Phước, cho biết BV này vừa lập đoàn thanh tra làm rõ đơn của anh Phạm Văn Nam (SN 1984, ngụ huyện Đồng Phú) tố cáo ca trực của Khoa Sản đêm 30-9 tắc trách dẫn đến con trai anh vừa sinh đã tử vong. Theo BS Nam, những người liên quan và gia đình nạn nhân sẽ gặp nhau để đối chất.
“Mập như heo mà không biết rặn”!
Theo anh Nam, đêm 30-9, vợ anh là chị Đặng Thị Xuân Lộc (SN 1988) vỡ ối nên gia đình đưa vô BVĐK huyện Đồng Phú sinh. Sau đó, chị Lộc được chuyển lên BVĐK Bình Phước.
“Sau đó, BS lại nói con tôi bị “sa” và thiếu oxy. Trưa cùng ngày, tôi lẻn vào phòng nhìn thấy con mình nằm im, thở yếu, hỏi thì bị nữ điều dưỡng đuổi ra ngoài. Khoảng 14 giờ, được phép vào thăm con, tôi thấy bé thở yếu, người tím tái. Tôi hỏi điều dưỡng, người này bảo “chờ BS đến” rồi lại đuổi ra. Đến 15 giờ, BS gọi tôi vào thông báo đứa bé rất yếu, phải chuyển đến BV Nhi Đồng 2, TP HCM cấp cứu. Đến 20 giờ 30 phút, con tôi tử vong” - anh Nam rầu rĩ.
Theo giấy chứng tử, nguyên nhân bé chết vì ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện. “Vợ tôi cho biết khoảng 3 giờ ngày 1-10, vì quá đau đớn nên cô ấy van xin được sinh mổ nhưng 3 NHS trong phòng vẫn làm ngơ, quay sang chăm sóc cho sản phụ vào sau. Khoảng 5 giờ, khi vợ tôi đau bụng dữ dội, các NHS mới soạn dụng cụ đỡ đẻ” - anh Nam kể.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lộc bức xúc: “Do mới sinh con lần đầu, tôi không biết làm sao nhưng mỗi đợt rặn đẻ là bị NHS chửi. NHS tên N.T.Y còn đánh vào đùi tôi nhiều lần. Sau đó, cô Y. còn nói: “Kệ cha nó, cho nó nằm đấy rặn một mình” rồi bỏ đi dù tôi đã van xin họ cứu mẹ con tôi”.
Tham gia trực trong ca sinh của chị Lộc, chị Nguyễn Thị Huyền (thực tập sinh Khoa Sản, sinh viên Trường Trung cấp Y tế tỉnh Bình Phước) nhớ lại: “Chị Lộc được chuyển vào khoa khi đã vỡ ối. Đến 23 giờ, chị Lộc yêu cầu: “Các chị khám xem em có thể sinh được không, nếu không thì cho em mổ”. Đến 4 giờ 30 phút ngày 1-10, tôi trở lại phòng sinh thì thấy chị vẫn nằm rặn”.
“Một lúc sau, chị Lộc vẫn không sinh được dù 2 NHS đã thay phiên đỡ, cuối cùng NHS Y. phải ra tay. Chị Lộc rất mệt, phải thở oxy và kim truyền dịch bị tuột nhưng một NHS vẫn đứng bấm ĐTDĐ. Do xử lý chưa quen, tôi bị NHS Y. chửi là ngu rồi quay sang quát sản phụ Lộc: “Mày mập như heo mà không biết rặn hả? Vợ chồng mày không biết điều…, tao bỏ mặc mày ở đây” - chị Huyền kể.
Vi phạm y đức nghiêm trọng
Theo chị Huyền, lúc ấy chị Lộc luôn miệng van xin được sinh mổ. “Đến 6 giờ 30 phút, tôi vẫn đứng giữ dây truyền dịch, NHS Y. leo lên bàn ấn bụng chị Lộc. Khi chị Lộc ho, NHS Y. tát vào mặt chị rồi quát: “Quay mặt ra kia, vi khuẩn văng đầy người tao”!... Lúc 6 giờ 50 phút, bé trai được kéo ra ngoài trong tình trạng bị ngạt và chuyển sang Khoa Nhi. Lúc này, tôi cũng xong ca trực” - chị Huyền nhớ lại.
“Tôi mong đưa vụ việc ra ánh sáng để không còn những đứa trẻ vô tội chết oan bởi sự tắc trách của một số nhân viên tại Khoa Sản BVĐK Bình Phước” - chị Huyền mong mỏi.
Một bác sĩ chuyên khoa I ở Khoa Sản BVĐK Bình Phước nhận định: “Theo nguyên tắc, ối vỡ trên 6 giờ là đã chấm dứt thai kỳ. Khi thai phụ được đưa vô, ca trực phải phòng chống kháng sinh dự phòng, đo tim thai. Nếu để đến hôm sau thì thai đã cản lối rồi. Vì vậy, ca trực buộc phải cho thai phụ uống thuốc dục sinh nếu cổ tử cung thuận lợi, còn không thì phải mổ. Việc NHS đánh, tát thai phụ là không thể chấp nhận được, vi phạm nghiêm trọng y đức. Ở vụ việc này, đứa trẻ vừa sinh đã chuyển sang Khoa Nhi, chứng tỏ thời gian xử lý của ca trực quá chậm trễ”.
Trẻ sơ sinh từng chết bất thường Ngày 3-8, chị Bùi Thị Linh (SN 1975, ngụ xã Tân Lập, huyện Đồng Phú) sinh mổ bé gái nặng 2,9 kg tại Khoa Sản BVĐK Bình Phước. Sau khi được chích một mũi thuốc ngừa lao, bé bắt đầu nôn ói. Đến khuya 7-8, chị Linh phát hiện con mình trong tình trạng tím tái. Sau khi kiểm tra, BS thông báo bé đã chết. Sau đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Phước lập hội đồng chuyên môn để tìm nguyên nhân bé sơ sinh này tử vong. Hội đồng chuyên môn đã đưa ra kết luận con của chị Linh tử vong là do… tắc nghẽn cơ học đường hô hấp! |
Bình luận (0)