Chiều 19-10, thi thể 3 sĩ quan trong tổ bay huấn luyện của máy bay VN 8632 là đại úy Dương Lê Minh (giáo viên) cùng 2 học viên là trung úy Đặng Đình Duy và trung úy Nguyễn Văn Tùng đã được tìm thấy tại khu núi Bao Quan (xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sau hơn một ngày tìm kiếm.
Gắng sức tìm đồng đội
Ngay từ sáng sớm, hơn 200 chiến sĩ chia thành 4 hướng tìm kiếm chiếc máy bay bị nạn trên khu vực núi Dinh (giáp ranh giữa huyện Tân Thành và TP Bà Rịa) bao gồm Đồi Trọc, Thiền viện Viên Không, chùa Kim Liên và hướng suối Tiên. Lương thực, nước uống, thuốc men cũng như các dụng cụ như dao, xẻng, dây thừng được các chiến sĩ mang theo trong suốt quá trình lặn lội trên núi tìm đồng đội.
Đoàn xe đưa thi thể 3 sĩ quan rời khỏi hiện trường Ảnh: ngọc giang
Gia đình của các sĩ quan cũng túc trực ngay chân núi để ngóng tin từ lực lượng tìm kiếm. Tuy nhiên, trong nhiều giờ các nguồn tin báo về vẫn không phát hiện ra chiếc máy bay cùng 3 phi công bị nạn tại núi Dinh. Trời cũng bắt đầu xuất hiện mưa và sương mù khiến cho tầm nhìn bị hạn chế, việc tìm kiếm máy bay gặp nhiều khó khăn.
Lúc này, thượng tá Trần Văn Cư, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường cho biết dù khó khăn đến mấy cũng gắng hết sức tìm cho được máy bay cũng như các thành viên đang mất tích. Tại trụ sở UBND xã Châu Pha, huyện Tân Thành, Ban Chỉ đạo tiền phương đã tổ chức cuộc họp khẩn, sau đó di chuyển đến sân vận động xã Châu Pha để hướng dẫn, chỉ đạo sử dụng máy bay không người lái tiếp cận hiện trường. Ba máy bay trực thăng cũng được huy động để hỗ trợ lực lượng mặt đất tiếp tục tìm kiếm.
Đến khoảng 11 giờ, một nhóm tìm kiếm đã thông báo phát hiện chiếc máy bay bị nạn cùng thi thể 3 sĩ quan tại khu vực núi Bao Quan. Thông tin báo về từ hiện trường cho biết thi thể 3 thành viên trong tổ lái còn nguyên vẹn, một diện tích lớn cây rừng bị cánh quạt máy bay phá tan.
Ngay sau khi nhận tin đã tìm thấy thi thể các sĩ quan, một nhóm khoảng 50 chiến sĩ được điều động lên hiện trường. Phải mất rất nhiều thời gian, các chiến sĩ mới đến được khu vực bị nạn để đưa thi thể 3 sĩ quan xuống núi.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, thông tin thêm lực lượng chức năng cũng đã tìm thấy hộp đen của máy bay gặp nạn, một phần của chiếc máy bay sẽ được đưa về để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân rơi của máy bay.
Bi thương
Tại chùa Kim Liên ở chân núi Quan Bao, người nhà các nạn nhân đau đớn khi biết tin các anh đều đã hy sinh. Ánh mắt của người thân dõi theo từng hành động của lực lượng tìm kiếm.
Đến khoảng 15 giờ 30 phút, thi thể 3 phi công lần lượt được di chuyển xuống chân núi. Khi nhìn thấy thi thể, người thân của các phi công tử nạn đã khóc ngất. Người dân, đồng đội và các phóng viên tác nghiệp tại hiện trường cũng nghẹn ngào trước sự ra đi đột ngột của các anh.
Người thân của đại úy Dương Lê Minh không nén được nỗi đau mất đi một người con, người chồng, người cha, người giáo viên phi công giàu nghị lực. Anh ra đi khi đứa con thơ dại rất cần sự dạy bảo của bố. Gia đình của trung úy Duy cũng đau đớn khi nhìn thấy thi thể anh. Người chị của trung úy Duy kêu gào tên anh trong vô vọng.
Trời chiều âm u, rả rích mưa, hàng trăm đồng đội đã vẫy chào 3 chiến sĩ lần cuối trước khi xe của bệnh viện đưa thi thể các anh về Bệnh viện Quân y 175 để tổ chức lễ truy điệu.
Truy thăng quân hàm cho 3 phi công
Cùng ngày, căn cứ ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Hà Tiến Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 18, đã ký các quyết định truy thăng quân hàm lên thiếu tá cho đại úy Dương Lê Minh (SN 1984, quê quán: xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), truy thăng quân hàm lên thượng úy cho 2 trung úy Đặng Đình Duy (SN 1991, quê quán: xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) và Nguyễn Văn Tùng (SN 1991, quê quán: phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Lễ truy điệu 3 phi công tử nạn được tổ chức từ 7 giờ ngày 21-10 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 4, quận Gò Vấp, TP HCM.
V.Duẩn
Bình luận (0)