xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cạch mặt cò du lịch

NHÓM PHÓNG VIÊN

Cò đặc sản, cò hàng lưu niệm, cò tàu xe…, thậm chí cả cò “sung sướng”, xuất hiện tràn lan ở nhiều khu du lịch khiến du khách rất bức xúc nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả

Mới đây, Công an TP Đà Lạt - Lâm Đồng đã bắt giam cò mứt Trần Văn Quang (34 tuổi, tạm trú tại đường Huyền Trân Công Chúa, TP Đà Lạt) do đánh đập anh Trần Trí Dũng, một hướng dẫn viên du lịch đến từ TPHCM. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ hướng dẫn viên du lịch bị cò ngang ngược hành hung tại Đà Lạt được phát hiện, xử lý.

Móc nối trước

Tại cơ quan công an, Trần Văn Quang cho biết sáng 29-9, y nhận được điện thoại của N.H.Q, tài xế điều khiển xe đưa khách lên Đà Lạt, thông báo đang trên đường lên TP du lịch này. Biết trước xe sẽ dừng ở khách sạn Sammy trên đường Lê Hồng Phong - TP Đà Lạt, nhóm của Quang ra chờ sẵn để “điều” du khách về 2 lò mứt mà chúng nhận làm cò là B.K và H.N trên đường Nguyên Tử Lực.

Khi Dũng nhất quyết không đưa khách vào 2 lò mứt này, nhóm của Quang liền lao vào dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu khiến anh ngã quỵ tại chỗ. Trước khi bỏ đi, nhóm cò này còn táo tợn tuyên bố nếu không đưa khách đến 2 cơ sở mứt mà chúng yêu cầu, chẳng những anh Dũng mà toàn bộ hành khách trên xe sẽ “không có đường về TPHCM”!

img
Đến TP Đà Lạt tham quan, du khách thường được đưa tới các lò mứt để mua sắm. Ảnh: THẠCH THẢO

Chiều tối cùng ngày, khi dẫn đoàn vào tham quan vườn hoa TP Đà Lạt, anh Dũng lại bị một tay cò tên Tâm tới yêu cầu phải đưa du khách đến mua mứt ở cơ sở B.K và H.N. Anh Dũng tiếp tục từ chối liền bị Tâm dùng mũ bảo hiểm lao tới hành hung. Vụ việc chỉ dừng lại khi lực lượng bảo vệ vườn hoa TP Đà Lạt đến can thiệp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lâu nay, nhiều người trong cánh tài xế xe du lịch và cả một số hướng dẫn viên khi đưa khách lên Đà Lạt tham quan đã móc nối với đám cò mứt, cò đặc sản để ăn chia phần trăm số sản phẩm bán được. Mới đây, chị Lê Bích Phượng, ngụ tại TPHCM, khi đi du lịch Lâm Đồng đã được cò dẫn đến một gian hàng trưng biển “đặc sản Đà Lạt”. “Tôi đã mua gần 1 triệu đồng mứt “đặc sản” nhưng về nơi nghỉ lại phát hiện là hàng Trung Quốc. Khi tôi đem ra đòi đổi lại sản phẩm khác thì chủ gian hàng lớn tiếng từ chối” - chị Phượng thất vọng.

Tại buổi giao ban báo chí tháng 10-2012, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng thừa nhận nạn cò mứt, cò đặc sản tồn tại từ lâu đã gây thiệt hại lớn và nhiều mặt cho địa phương. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết vấn nạn này. Công an TP Đà Lạt cũng cho biết đang lập hồ sơ 20 tay cò mứt, cò đặc sản cộm cán ở Đà Lạt, yêu cầu các đối tượng này viết cam kết không mồi chài, lôi kéo du khách.

Đủ loại cò

TP du lịch Nha Trang - Khánh Hòa lâu nay cũng đau đầu với nhiều loại cò:  cò tàu xe, cò khách sạn, cò dịch vụ mua sắm… thường xuyên quấy nhiễu du khách. 

Hôm 30-9 vừa qua, anh Trần Đăng Minh cùng gia đình từ Đà Nẵng ghé tham quan TP Nha Trang. “Chúng tôi đón taxi nhờ đưa đến một điểm bán vé dịch vụ đi tour biển đảo. Điểm này bán cho chúng tôi một số vé đến suối Hoa Lan với giá 400.000 đồng/vé. Sau đó, gia đình tôi mới biết mình bị hớ 50.000 - 60.000 đồng/vé vì điểm này phải chi hoa hồng cho cò dắt mối” - anh Minh cho biết.

Cách đây không lâu, tại cảng du lịch Cầu Đá đã xảy ra chuyện một số du khách mua vé tour tham quan 4 đảo qua cò với giá 1,5 triệu đồng/chuyến. Tuy nhiên, khi đến cảng, chỉ thấy báo giá 1,1 triệu đồng/chuyến nên nhóm du khách này không đồng ý đi với giá cũ. Hậu quả là sau khi cãi vã với cò, chiếc Mercedes của họ gửi trong bến cảng đã bị rạch be bét. Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Phó trưởng Ban Quản lý Bến tàu du lịch Cầu Đá, khẳng định cò chính là các nhân viên, con cháu các chủ tàu đi mồi chài du khách.

Ở Nha Trang, chợ Đầm là một trong những điểm tham quan, mua sắm ưa thích của hầu hết du khách khi ghé TP này. Tuy nhiên, nạn cò hàng lưu niệm lộng hành tại đây đã khiến nhiều người ngao ngán. Bà Nguyễn Thảo Hương, ngụ tại quận Tân Bình - TPHCM, bức xúc: “Khi đến chợ Đầm vào tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã thấy khó chịu vì 5-6 cò đứng ngay cổng cứ bám theo mời mua hàng lưu niệm.
 
Tôi cương quyết không để họ lôi kéo nhưng chị bạn đi cùng mềm lòng, đã chấp nhận theo chân một cô gái vào chợ. Lát sau, chị ra khoe vừa mua được một sợi dây đeo bằng vỏ ốc với giá gần 500.000 đồng. Tuy nhiên, khi về khách sạn, nhân viên ở đây khẳng định giá món hàng này chưa tới 100.000 đồng”.

Ông Lê Quang Lịch, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Khánh Hòa, cho biết trước tình trạng cò rộ lên gần đây, sở đã phối hợp với cơ quan chức năng có kế hoạch thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các hãng lữ hành, khách sạn tổ chức tour, bến cảng… để ngăn chặn.

Trong số các loại cò tràn lan ở nhiều khu du lịch, cò “sung sướng” khá phổ biến. Đó có thể là những người chạy xe ôm, tài xế taxi, nhân viên khách sạn, trẻ đánh giày, bán báo…, thậm chí cả các gã bán thuốc lá lề đường. Anh Trần Tấn Vũ, hiện làm việc tại một công ty liên danh ở TPHCM, cho biết mới đây, anh có đợt đi công tác tại TP Hải Phòng và đã có một phen cạch mặt cò “sung sướng”.

“Tôi nghỉ ở một khách sạn tại trung tâm TP Hải Phòng. Chiều hôm đó, vừa ra phố tính đi dạo một vòng, tôi liền bị cánh xe ôm vây lại, hỏi có “vi vu Đồ Sơn” gì không. Đã ra đến Hải Phòng mà không biết Đồ Sơn thì cũng dở. Vả lại, cứ nghĩ cánh xe ôm chỉ mời chào chở đi dạo chơi, thăm thú nên tôi chọn một gã nhờ chở đến Đồ Sơn, cách trung tâm TP chừng 20 km.
 
Khi gần tới Đồ Sơn, gã xe ôm quay lại nhăn nhở: “Tới bãi 2 nhé, nhiều em “đã” lắm”! Mặc cho tôi ra sức thanh minh rằng không có nhu cầu, gã vẫn đưa đến bãi 2 ở Đồ Sơn, nơi có la liệt nhà nghỉ, khách sạn. Bực mình, tôi đòi xuống để đón xe khác quay về, gã bèn tính tiền và đòi thêm 100.000 đồng “công tư vấn, giới thiệu dịch vụ”! Ở khu 2 Đồ Sơn, tôi lại bị một dạng cò “sung sướng” nữa vây quanh, đó là những tay thanh niên chực chờ sẵn bên đường trước những nhà nghỉ, khách sạn. Khi có khách tới, những tay này nhào đến mời chào, đưa vào trong, gọi “hàng” ra cho họ xem mặt…” - Vũ kể.

Góp phần “đuổi” khách

Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về du lịch tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM tổ chức cuối tháng 8-2012, một vấn nạn được nêu ra là tình trạng cò chèo kéo du khách chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Điều này khiến du khách có cái nhìn thiếu thiện cảm với điểm họ đến du lịch, thậm chí còn góp phần “đuổi” khách vì họ sẽ khó mà quay lại lần nữa.  Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã yêu cầu ngành du lịch ngăn chặn nạn chèo kéo, “chặt chém” du khách trên toàn quốc.

Trước đó, Tổng cục Du lịch cũng đã có báo cáo gửi Bộ VH-TT-DL tỉnh về việc tăng cường chấn chỉnh, giải quyết tình trạng chèn ép khách du lịch, lợi dụng, lừa đảo khách tại các trung tâm du lịch.

Theo bà Võ Hoàng Tuyết Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận, việc ngăn chặn cò du lịch không phải là quá khó. Hầu hết các resort, khách sạn lớn của tỉnh tại TP Phan Thiết, Hàm Tiến - Mũi Né, Hàm Thuận Nam, Tiến Thành… đều liên kết chặt chẽ với các công ty du lịch lữ hành nên du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đều theo tour, không bị cò chèn ép.

“Các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi giá cả niêm yết tại nhà hàng, cơ sở bán đồ lưu niệm..., không để xảy ra tình trạng cò đưa khách đến “mối ruột” của mình để “chặt chém”. Vì có khách thường xuyên nên không nhà hàng, cơ sở dịch vụ nào dại dột “chặt chém” khách hàng để làm mất đi hình ảnh của mình. Hơn nữa, nếu nơi nào để xảy ra tình trạng này, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc” - bà Linh khẳng định.

Lập đội trật tự du lịch

Thời gian gần đây, nhờ nhiều biện pháp quyết liệt, mạnh tay của chính quyền Đà Nẵng nên tình trạng cò du lịch đeo bám, chèo kéo du khách đã giảm hẳn. Những điểm nóng du lịch trước đây như Ngũ Hành Sơn, đỉnh đèo Hải Vân, Nhà hát Trưng Vương, đường Bạch Đằng… đã vắng bóng cò.

Tháng 6-2012, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương xúc tiến thành lập các đội trật tự du lịch với đội trưởng sẽ do một phó chủ tịch UBND quận, huyện phụ trách.
 
img
Nhiều điểm du lịch ở TP Đà Nẵng đã vắng bóng cò chèo kéo,
đeo bám du khách. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Ngoài ra, Đà Nẵng còn đưa ra mức phạt thật cao nhằm răn đe nạn chèo kéo, đeo bám du khách; ai tái phạm có thể bị phạt 1-2 triệu đồng. “Lập đội trật tự du lịch để chống nạn cò chèo kéo, đeo bám du khách là việc cần làm ở tất cả các điểm du lịch” - ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà, nhìn nhận.

Để hạn chế tình trạng chặt chém du khách tại các chợ, đích thân Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cũng đã nhiều lần tổ chức gặp mặt nói chuyện với tiểu thương, yêu cầu họ bán đúng giá. Trong các dịp lễ hội lớn, ông Nguyễn Bá Thanh còn yêu cầu cán bộ Thanh tra Sở VH-TT-DL TP cải trang thành du khách đến các khách sạn, điểm bán hàng lưu niệm, quán xá… để xử lý hành vi tự ý tăng giá.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo