Không những thế, người tiêu thụ còn phải đối mặt với nhiều kiểu tính không bình thường, tính lố trước thời gian để ngành điện chiếm dụng vốn một cách “êm thấm”.
Quyết định số 215/2004/QĐ-TTg có 3 nội dung mới trong cách tính giá điện, gồm: doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được trả tiền điện theo giá như doanh nghiệp trong nước, người dùng điện sinh hoạt được khuyến khích gắn đồng hồ 3 giá, hộ dùng điện sinh hoạt từ 300 KWh/tháng trở lên phải trả giá cao, theo khung giá bậc thang”.
Thêm 1 KWh trả thêm... 66.990 đồng
Do đại bộ phận dân cư còn nghèo nên Chính phủ cho áp dụng chính sách giá điện bậc thang, nhằm khuyến khích tiết kiệm điện và trợ giá một phần cho các hộ sử dụng điện trong sinh hoạt. Theo đó, nếu trong tháng tiêu thụ từ 100 KWh trở xuống được tính giá 550 đồng/KWh, từ 101 đến 150 KWh giá 900 đồng/KWh, từ 151 đến 200 KWh giá 1.210 đồng/KWh, từ 201 đến 300 KWh giá 1.340 đồng/KWh... Trên thực tế, ranh giới 300 KWh rất mong manh, chỉ cần một trục trặc nhỏ trong việc ghi điện là người tiêu dùng phải mất hàng chục ngàn hoặc hàng trăm ngàn đồng/tháng. Việc ghi số lượng điện sinh hoạt của từng hộ được thực hiện bởi các nhân viên ngành điện. Họ đến từng nhà, theo từng thời gian không nhất định, với sai số 4 ngày/tháng. Điều này dẫn đến rất nhiều bất trắc, gây thiệt hại cho người mua điện. Ví dụ, khi ghi chỉ số điện đúng ngày, đúng giờ (so với thời điểm ghi tháng trước) nếu một gia đình tiêu thụ hết 300 KWh/tháng thì chỉ trả 294.500 đồng, nhưng nếu trục trặc vì chủ nhà đi vắng hoặc nhân viên điện lực đến chậm một, hai giờ, để điện kế nhích thêm 1 KWh, tức lên tới 301 KWh/tháng thì người mua điện phải trả 355.400 đồng. Tức là gia đình ấy bị mất 60.900 đồng. Nếu tính cả thuế GTGT 10% thì sẽ mất 66.990 đồng.
Hàng tỉ đồng tính sai đơn giá đi đâu?
Khách hàng kiến nghị:
Chỉ nên tính lũy tiến với những hộ tiêu thụ từ 301 KWh/tháng trở lên
Trong thư phản ánh với Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Phan Thanh Yên, số 97A Nguyễn Du, quận 1-TPHCM đề nghị: “Theo tôi, giá điện phải trả cho 300 KWh đầu tiên cần ổn định, còn số tiêu thụ vượt mức phải trả giá cao chỉ tính từ KWh 301, theo cách tính lũy tiến, cứ thêm 100 KWh là có giá tăng thêm tiền. Như thế người dân dễ dàng chấp nhận và ngành điện vẫn thu được tiền điện giá cao mà khỏi mang tiếng độc quyền muốn làm kiểu gì cũng được”. |
Dân thắc mắc, lãnh đạo “bận”
Sáng 19-1-2005, chúng tôi đã liên hệ với các ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM, và một số cán bộ lãnh đạo khác của công ty để đề nghị giải thích một số bất hợp lý mà bạn đọc phản ánh nhưng các ông đều “bận”. Chúng tôi đành gặp một cán bộ của Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực TPHCM và được cán bộ này giải thích: “Do số ngày thực tính tiền điện trong tháng bị thiếu (chỉ tính 28 ngày thay vì 30) nên điện lực đã trừ 2 ngày định mức giá thấp. Số định mức này đã được tính bù cho tháng trước”. Nhưng khi kiểm tra tập hóa đơn còn lưu 13 tháng qua của nhà bà Vân tuyệt nhiên không có tháng nào Công ty Điện lực TPHCM tính bù số định mức 13 KWh điện bị giảm nói trên. Đây không phải là trường hợp duy nhất. Tại nhà bà Hồng, bà Thơ (phường Tân Quy, quận 7), trong kỳ tính tiền điện nói trên các định mức giá thấp cũng bị cắt giảm tương tự. Việc giảm định mức giá thấp khiến người tiêu dùng điện bị thiệt so với từng hộ, số tiền này tuy chưa lớn. Nhưng tính cả TPHCM với 1,2 triệu hộ tiêu thụ điện, nếu hộ nào cũng bị cắt giảm một lần như vậy thì con số thiệt hại mà khách hàng phải chịu lên đến hàng tỉ đồng. Số tiền này đi đâu?
Ghi điện quá lố, chiếm dụng tiền dân?
Cũng tại nhà bà Vân, lúc 10 giờ ngày 20-1-2005, chỉ số điện kế là 5.682 KWh. Theo hóa đơn tiền điện kỳ 1-2005 và giấy báo tiền điện tính đến ngày 14-1-2005, tổng số điện gia đình này đã tiêu thụ là 5.665 KWh. Như vậy, số lượng điện tiêu thụ trong 6 ngày (từ 14 đến 20-1) chỉ có 17 KWh (5.682 – 5.665), bình quân mỗi ngày 2,8 KWh (?) Điều đó hoàn toàn không tin được. Vì tính trong 7 kỳ vừa qua, mỗi tháng nhà bà Vân dùng hết 251 KWh điện, như vậy trung bình mỗi ngày tiêu thụ gần 8,4 KWh (tháng 30 ngày). Được biết, những ngày qua, nhà bà Vân vẫn sử dụng điện bình thường nên mức tiêu thụ hằng ngày xấp xỉ như cũ. Căn cứ vào phép tính tương đối như kể trên quy ra 6 ngày, hộ bà Vân sử dụng hết 50,4 KWh. Nếu lấy số lượng điện hiện tại trừ số điện dùng 6 ngày qua thì lẽ ra số điện đến ngày 14-1 chỉ có 5.631,6 KWh. Nhưng do Công ty Điện lực TPHCM đã thu tiền đến số lượng 5.665 KWh nên tính ra bà Vân đã trả trước ngày ghi là 33,4 KWh (5.665 – 5.631,6). Số điện “thâm thủng” này chắc chắn được tính theo mức giá cao nhất kể trên, nên tính ra Công ty Điện lực TPHCM đã chiếm dụng của bà Vân 44.756 đồng. Nếu 1,2 triệu hộ dùng điện thuộc TPHCM đều bị tính tiền điện lố trước như vậy thì có hàng chục ngàn tỉ đồng của người tiêu dùng đã bị chiếm dụng!
Ngành điện kiên quyết xử lý các trường hợp nhân viên vòi vĩnh Theo kế hoạch của EVN, trong năm 2005 ngành điện cả nước sẽ sản xuất 51,744 tỉ KWh điện, trong đó sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ khoảng 45,2 tỉ KWh (TPHCM chiếm khoảng 20%). Do quản lý chưa tốt, hệ thống lưới điện cũ, lạc hậu nên điện truyền tải bị tổn thất nhiều. Theo kế hoạch, năm 2005, ngành điện phấn đấu giảm tỉ lệ tổn thất điện năng xuống còn 12% (khoảng 6 tỉ KWh). Hàng tỉ KWh điện bị tổn thất như vậy được hạch toán vào giá thành vì vậy đã, đang và sẽ làm cho giá điện thương phẩm cao thêm, buộc khách hàng mua điện phải gánh chịu và tạo nên khó khăn lâu dài cho ngành điện trong cả nước. Trả lời phóng viên Báo Tin tức, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc EVN, nói: “Chúng tôi có quy định rõ ràng với các điện lực chỉ đạo nhân viên ghi chỉ số công tơ là tháng trước thu tiền ngày nào thì tháng sau cũng tính tiền đến ngày đó. Thời gian tới, ngành điện sẽ bổ sung trang thiết bị cần thiết tại các điện lực để bảo đảm tính đúng, tính đủ cho khách hàng, kiên quyết xử lý nhân viên ngành điện có thái độ vòi vĩnh, gây khó khăn cho người sử dụng. Nếu có bằng chứng về việc này, khách hàng cứ mạnh dạn góp ý đến chúng tôi để kịp thời xử lý”. T.L |
Bình luận (0)