Tập đoàn CPG (đóng tại Singapore, thuộc Tập đoàn CAG của Trung Quốc) hôm 14-9 đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi về đồ án quy hoạch huyện đảo Lý Sơn.
Được các đơn vị cấp trên giới thiệu!
Tại buổi làm việc, các chuyên gia đến từ Tập đoàn CPG đánh giá cao vai trò và vị trí của đảo Lý Sơn. Vì vậy, họ cho rằng cần đánh giá, phân tích kỹ thực trạng, từ đó đưa ra những ý tưởng, tầm nhìn dài hạn cùng giải pháp, chính sách thiết thực để phát triển đảo Lý Sơn một cách bền vững trong tương lai, nhất là về môi trường, hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội… Các chuyên gia Tập đoàn CPG mong muốn sẽ trở thành đơn vị tư vấn, lập quy hoạch phát triển đảo Lý Sơn.
Sau khi nghe các chuyên gia của CPG trình bày, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đánh giá cao ý tưởng của tập đoàn này, đồng thời mong muốn các chuyên gia của CPG nghiên cứu thêm về tiềm năng, lợi thế của Lý Sơn trong nuôi trồng thủy sản, phát triển dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó, cần đưa ra chiến lược, quy hoạch đảo gắn liền với biển, đất liền… cũng như giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trên đảo một cách tốt nhất.
Đảo Lý Sơn được xác định là khu vực phòng thủ quốc gia quan yếu. Ảnh: TỬ TRỰC
Sau cuộc làm việc nói trên, ngày 18-9, ông Lê Minh Huấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Tập đoàn CPG đến Quảng Ngãi làm việc theo sự giới thiệu của các đơn vị cấp trên. “Tỉnh vẫn chưa quyết định thuê Tập đoàn CPG tư vấn lập quy hoạch đảo Lý Sơn và cũng nghe thông tin CPG không phải là doanh nghiệp (DN) của Singapore. Tỉnh sẽ nghiên cứu kỹ trước khi quyết định có thuê họ lập quy hoạch hay không. Đến nay, CPG mới trình bày ý tưởng và tỉnh mới tiếp thu ý tưởng đó thôi” - ông Huấn nói.
Vị thế đặc biệt quan trọng của Lý Sơn
Đại tá Nguyễn Tấn Lâm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đến nay, việc quy hoạch Lý Sơn vẫn chưa chốt phương án cuối cùng. “Quy hoạch Lý Sơn phải ưu tiên hàng đầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng quốc gia, đồng thời cải thiện cuộc sống của người dân địa phương… Hiện mới chỉ nghe Tập đoàn CPG trình bày ý tưởng. Khi nào có quy hoạch chi tiết, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ có ý kiến trình Quân khu 5” - đại tá Lâm nói.
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho biết Lý Sơn là đảo tiền đồn phía Đông của đất nước, là căn cứ của đội quân Hoàng Sa vào thế kỷ XVII. Vì vậy, đảo Lý Sơn liên quan đến rất nhiều vấn đề như khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho nên, Lý Sơn rất quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế - xã hội mà cả quốc phòng - an ninh quốc gia. “DN của Singapore đã được Trung Quốc mua lại có được tham gia lập quy hoạch đảo Lý Sơn hay không là việc phải hết sức cân nhắc và thận trọng” - ông Trục cảnh báo.
TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng ngoài vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, giữ gìn an ninh quốc phòng, Lý Sơn còn có nhiều yếu tố rất quan trọng về văn hóa, lịch sử do đây là cái nôi của văn hóa nhân loại. Chính vì thế, việc quy hoạch Lý Sơn phải giữ được vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cùng hiện trạng và bảo tồn giá trị văn hóa.
Theo TS Lê Đăng Doanh, quy hoạch phát triển Lý Sơn trước tiên phải phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới. Đặc biệt, phải chú trọng vị trí chiến lược của đảo trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, trong đó cần bổ sung các yêu cầu về chiến lược biển.
Phải qua thẩm định của Bộ Quốc phòng
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - ông Lê Việt Trường - cho biết đảo Lý Sơn đã được Bộ Quốc phòng xác định là vị chí chiến lược, khu vực phòng thủ quốc gia. “Nói chung, tất cả đảo ven bờ đều được xác định là vị trí phòng thủ quốc gia, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Đó là những khu vực phòng thủ từ xa của đất nước. Các đảo này được coi như những tàu chiến không bao giờ bị đánh chìm, bởi vậy những vị trí này có vai trò hết sức quan trọng. Muốn lập quy hoạch, DN phải tìm hiểu kỹ về địa chất, khí tượng thủy văn, con người, lịch sử và cả an ninh quốc phòng.
Ông Lê Việt Trường cho biết căn cứ vào hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, quy trình thẩm định các dự án, quy hoạch ở khu vực phòng thủ quốc gia phải được Bộ Quốc phòng, thậm chí Chủ tịch nước, xem xét cụ thể để ra quyết định.
Âm thầm đổi chủ
Theo báo Finance Asia của Hồng Kông, Tập đoàn CPG từng là một phần của Sở Công chính thuộc Chính phủ Singapore trước khi được chuyển thành một công ty thương mại độc lập vào năm 1999 và đổi thành tên như hiện nay vào năm 2002. Tháng 3-2003, CPG được bán cho Tập đoàn Downer EDI của Úc chuyên về các dịch vụ xây dựng, cơ sở hạ tầng và nguồn lực.
Theo Reuters, đến tháng 12-2012, Downer EDI thông báo đã bán CPG cho Tập đoàn Thiết kế và Nghiên cứu Kiến trúc Trung Quốc (CAG) - một DN nhà nước Trung Quốc với giá 147 triệu đô-la Úc.
Trên trang web chính thức của CPG có giới thiệu đầy đủ về nguồn gốc từ Sở Công chính cũ của Singapore, đồng thời quảng cáo rằng tập đoàn này là một trong những đơn vị chuyên nghiệp phát triển hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cung cấp các dịch vụ quản lý, phát triển nhà và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các thông tin liên quan tới những lần đổi chủ lại không được đề cập tới. Theo Wikipedia, CPG hiện có rất nhiều văn phòng ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam. T.Hằng
Bình luận (0)