Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, trong đó có nguyên nhân từ sự mất kiểm soát về cảm xúc và lòng tham mù quáng của hung thủ.
Nếu ở những thập kỷ trước, những thảm án giết nhiều người thường diễn ra trong các cuộc ẩu đả, thanh toán giang hồ; do hận thù cao độ, tích tụ và dồn nén lâu dài… thì trong những năm gần đây, chỉ cần bức xúc trong chuyện tình cảm hoặc tranh chấp, cãi cọ... là có thể ra tay tàn ác, không chỉ với người có mâu thuẫn trực tiếp với mình mà còn với cả những người trong gia đình của người đó. Cướp của, giết người thì không mới nhưng cướp của, giết nhiều người để diệt khẩu, cướp của và giết cả nhà mới đáng sợ, khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ.
Lực lượng chức năng trắng đêm truy tìm (ảnh lớn) và đã bắt được Doãn Trung Dũng
Nhìn chung, khi ra tay giết người, tất cả các hung thủ đều mang tâm lý bất ổn, chới với trong cuộc sống khi bị thiệt thòi, tổn thương, xúc phạm hoặc có xung đột với ai đó. Thay vì kiên trì để giải quyết vấn đề theo chiều hướng tích cực thì lại rất manh động, cực đoan và ra tay hết sức tàn độc, mất hết nhân tính.
Thanh niên ngày nay tuy thể trạng phát triển tốt nhưng một bộ phận rất non kém kinh nghiệm và kỹ năng sống; thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân; thiếu bình tĩnh, kiềm chế trong ứng xử. Giận một tí là văng tục, chửi thề; chỉ cần đối phương cãi lại một vài câu là lao vào ẩu đả, chém giết theo bản năng. Khi phần “con” trong họ lấn át phần “người” thì hành vi lệch chuẩn. Đã thế, nhiều thanh thiếu niên còn gây án do nghiện ma túy. Vụ Doãn Trung Dũng sát hại 4 bà cháu ở tỉnh Quảng Ninh vừa qua là ví dụ.
Nhìn chung, những kẻ giết người, cướp của thường sống gấp, sống vội, thích hưởng thụ, ăn chơi, thỏa mãn nhu cầu cá nhân nhưng lười lao động. Lòng tham và sự kém hiểu biết về pháp luật khiến họ mù quáng và làm càn.
Khổng Tử và Mạnh Tử nói bản chất con người là thiện nhưng do “tập nhiễm” thói hư tật xấu của môi trường xã hội mà sinh ra cái ác. Tâm lý học hiện đại nói cách khác là từ ý thức mà hình thành hành vi và thói quen, thói quen lặp đi lặp lại sẽ thành bản chất.
Giữa thói đời thực dụng và toan tính, cái ác, cái xấu len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống con người. Khi chất “kháng sinh” hội tụ từ giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội chưa đủ mạnh, cái ác sẽ trỗi dậy lấn lướt, chi phối hành vi con người.
Những thói quen xấu như tham lam, ích kỷ, bạo lực nhiễm dần vào tính cách con người, tích tụ theo thời gian, gặp môi trường phù hợp sẽ bùng phát. Vậy nên, không có án mạng nào tự nhiên mà đến cả. Một thanh thiếu niên hôm qua còn hiền lành, ngày mai có thể làm chuyện “động trời” nếu gia đình, xã hội không quan tâm, uốn nắn, giáo dục thường xuyên. Học điều tốt thì khó và lâu nhưng tiêm nhiễm thói xấu thì rất dễ, rất nhanh.
Bình luận (0)