Tinh thần Luật Doanh nghiệp (DN) 1999 dường như đang trở lại khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Nghiên cứu cải cách kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014-2015, tầm nhìn đến năm 2025 (đề án).
Lấy đổi mới thể chế làm đột phá
Theo sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh giữ chức trưởng ban; Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, ông Nguyễn Đình Cung, là Tổ trưởng Tổ Thư ký. Ông Cung là người trước đây từng giữ vai trò Thư ký Tổ Công tác thi hành Luật DN (tổ công tác) 1999.
Động thái đầu tiên khi bắt tay triển khai đề án của TS Nguyễn Đình Cung là gặp gỡ các cựu thành viên tổ công tác và Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ để thảo luận kinh nghiệm và bàn bạc cách làm.
Ông Cung trải lòng: “Tôi cảm nhận được sự bức bách trong DN đang đòi hỏi phải có sự thay đổi nhưng đổi thay như thế nào là rất khó”. Trước tiên, ban chỉ đạo sẽ sửa đổi Luật DN 2005, xây dựng các dự thảo nghị định liên quan đến quản lý DN nhà nước (DNNN). Mục đích là phải tạo sự thay đổi, đột phá từ tư duy đến hành động, trong đó lấy thị trường làm yếu tố quyết định, để cơ chế thị trường vận hành và chi phối quyết định phân bổ nguồn lực. Muốn làm được điều này, cần lấy khâu cải cách thể chế làm đột phá.
Đây cũng là cảm nhận chung của các thành viên tổ công tác trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với ông Nguyễn Đình Cung.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh rằng cái gốc của vấn đề là thể chế, trong đó phải cải cách cho được bộ máy hành chính. Bộ máy công vụ của một phường có đến 475 người mà vẫn kêu làm không hết việc thì không thể chấp nhận được!
Cùng quan điểm, bà Phạm Chi Lan, cũng là cựu thành viên như ông Tuấn, lo lắng cho rằng một trong những thành công của Luật DN là giảm can thiệp hành chính của nhà nước khi bãi bỏ được tổng cộng 158 giấy phép con, trả lại quyền tự do kinh doanh cho DN và người dân, kích hoạt được nguồn lực lớn trong xã hội làm ra của cải vật chất. Tuy nhiên, hiện nay, DN và người dân không được tự chủ trong kinh doanh do nhà nước can thiệp vào mọi việc, bộ máy hành chính ngày càng cồng kềnh.
TS Đặng Đức Đạm, nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nói: “Tôi từng làm thư ký Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, trong chăn mới biết chăn có rận. Cứ nhìn vào đội ngũ công chức mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “khoảng 30% sáng cắp ô đi, tối cắp về” trong khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói chỉ có 1% là đủ biết bộ máy thế nào”.
Vốn trong dân rất lớn
TS Đặng Đức Đạm cho rằng đổi mới thể chế hiện nay cam go hơn so với thời kỳ mới ban hành Luật DN vì các nhóm lợi ích rất nhiều, khó vượt qua.
Làm rõ hơn quan điểm này, nhiều ý kiến khác cho rằng DNNN đang nắm giữ nguồn lực quan trọng của đất nước nên có vai trò chi phối cơ hội kinh doanh, nay cải cách để phân bổ lại nguồn lực thì đương nhiên họ không hưởng ứng. Giống như chỉ có con đường duy nhất để tiến lên nhưng DNNN ì ạch đi phía trước, khu vực kinh tế khác không thể tiến lên được. Luật sư Trần Hữu Huỳnh (Trung tâm Trọng tài quốc tế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng cần phải đồng bộ cải cách DNNN để giảm lực cản từ nhóm lợi ích và rộng đường phát triển kinh tế.
GS Nguyễn Mại, chuyên gia kinh tế, đánh giá: “Kinh tế tư nhân hoàn toàn có khả năng phát triển nhanh, chỉ cần được kích hoạt” - GS Nguyễn Mại phân tích 3 cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá, đó là vốn trong dân rất lớn, ý tưởng kinh doanh không thiếu và có thể tận dụng nguồn lực từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Vốn trong dân rất lớn thể hiện ở việc năm 2013, Việt Nam nhận 11 tỉ USD kiều hối, tương đương 250.000 tỉ đồng trong khi tổng đầu tư xã hội chỉ đạt 800.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước mua khoảng 400 tấn vàng về đấu thầu hết và còn hàng trăm tấn vàng khác tích trữ trong dân, chứng tỏ nguồn lực bị đóng băng không hề nhỏ.
Về ý tưởng kinh doanh, rất đáng lo ngại là năm 2013, cả nước có 100.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm trong khi chỉ cần 1 người giỏi có ý thức thành lập DN sẽ thu hút được cả trăm người làm được việc. Một sinh viên Trường ĐH Văn Lang (TP HCM) từ chối du học Pháp để ở nhà nuôi gà omega-3, sau 1 năm lập nghiệp nay đã có thương hiệu; một Nguyễn Tử Quảng lập công ty cung ứng các sản phẩm công nghệ nhưng đều phải tự vật lộn, không ai hỗ trợ... Cũng theo GS Nguyễn Mại thì năm 2014 sẽ có triển vọng tươi sáng vì chúng ta đang có hướng nghiên cứu một đề án riêng về công nghiệp phụ trợ cho Samsung (năm 2013, tập đoàn này xuất khẩu đạt giá trị tới 20 tỉ USD). “Tinh thần kinh doanh nếu được kích hoạt sẽ phát huy rất tốt, chúng ta chỉ cần tạo cơ chế thuận lợi” - GS Mại nói.
Ông Mại cũng đề xuất cần có chính sách định hướng cho DN tư nhân, không để công ty nào cũng lao vào đầu tư, chứng khoán, bất động sản; có chính sách ưu đãi cho những người mới khởi nghiệp không phải đóng thuế cho đến khi có sản phẩm chính thức đưa ra thị trường để có doanh thu...
Phải thay đổi ở tầm tư tưởng!
Dư địa để tạo ra một cuộc cải cách như Luật DN 1999 nay không còn. Muốn nền kinh tế có sức bật mới, cần có sự thay đổi ở tầm tư tưởng chứ không chỉ đơn thuần là chiến thuật, kỹ thuật như trước. Thị trường cần niềm tin, DN cần tín hiệu rõ ràng và có thể kiểm soát được từ các hành động, giải pháp của Chính phủ và các cơ quan thực thi.
Đổi mới thể chế đã được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá. Nếu không đổi mới thì có thể chúng ta chỉ duy trì tăng trưởng trong khoảng 5%, thậm chí giảm xuống và tụt hậu xa hơn nữa so với các nước xung quanh. Trước hết, cần tập trung vào việc đổi mới thể chế kinh tế thị trường, làm cho thị trường vận hành tốt hơn, đầy đủ hơn. Thể chế có 3 trụ cột gồm “luật chơi”, “cách chơi” và “người chơi”. Chừng nào “luật chơi” và “cách chơi” vẫn còn bị chi phối bởi cơ chế “xin cho, ban phát”, dựa theo mối quan hệ chiều dọc từ trên xuống, từ dưới lên thì thị trường chưa thể vận hành lành mạnh. Do đó, cần đổi mới thể chế, thực hiện những cải cách mở rộng hoạt động, nâng cấp mức độ phát triển của thị trường và hội nhập quốc tế. Nhà nước phải tạo điều kiện và khuyến khích những giao dịch theo chiều ngang như cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên của thị trường giao dịch, cạnh tranh bình đẳng và hạn chế, xóa bỏ cơ chế “xin cho, ban phát”. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương thì còn nhiều dư địa để cải cách theo hướng này.
Đổi mới thể chế kinh tế thị trường, DNNN cũng sẽ bị áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường, đưa khu vực DN này vào đúng quỹ đạo trong mối quan hệ nhà nước, thị trường và DN. Khi đó, DNNN sẽ bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, có động lực để đổi mới và không còn là lực cản đối với các khu vực kinh tế khác.
TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương)
T.Hà ghi
Bình luận (0)