Ngày 25-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hải quan.
Quá nhiều cơ quan quản lý
Bộ Tài chính cho biết thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã giúp đơn giản hóa 41 TTHC, bãi bỏ 14 thủ tục; 98% số tờ khai đã thông quan điện tử...
Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận còn nhiều tồn tại. Trong đó, nổi lên là số lượng hồ sơ thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia còn hạn chế do đang ở giai đoạn đầu kết nối. Về công tác kiểm tra hải quan, tỉ lệ kiểm tra hồ sơ, chứng từ (vàng), kiểm tra thực tế hàng hóa (đỏ) còn cao (chiếm hơn 44%) mà nguyên nhân chủ yếu do việc phân luồng kiểm tra bị điều chỉnh bởi 11 luật chuyên ngành của 8 bộ. Bộ Tài chính phân trần công tác kiểm dịch, kiểm tra tiêu chuẩn, kiểm tra chất lượng của 8 cơ quan quản lý nhà nước (gồm các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch) dẫn đến thời gian kéo dài.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thời gian trao đổi, giao lưu hàng hóa qua biên giới của Việt Nam lên đến 21 ngày. Trong đó, hải quan chiếm 28% (5,88 ngày), còn lại là của các bộ quản lý chuyên ngành và thời gian ở cảng.
Hãy vì doanh nghiệp chân chính
Bộ Tài chính cho biết Nghị quyết 19 năm 2015 đề ra mục tiêu phấn đấu thực hiện thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới tối đa là 13 ngày (hàng xuất khẩu) và 14 ngày (hàng nhập khẩu); năm 2016 là 10 ngày (hàng xuất khẩu) và 12 ngày (hàng nhập khẩu). Vì vậy, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai hải quan điện tử bắt buộc từ ngày 1-1-2015; kết nối cơ chế một cửa quốc gia với các bộ trước ngày 30-6-2015.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng cho rằng các chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 đưa ra liên quan đến lĩnh vực hải quan là hoàn toàn khả thi nhưng đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các bộ, ngành liên quan và phải thay đổi tư duy quản lý.
Tại buổi làm việc, các bộ liên quan đều cam kết tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin và kết nối với cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm ít nhất 1/2 thời gian thực hiện TTHC chuyên ngành của bộ, ngành mình.
Kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cải cách thể chế, trong đó có cải cách TTHC, là một trong những đột phá chiến lược. Trong đó, cải cách TTHC về hải quan là một trong những lĩnh vực quan trọng vì liên quan đến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trị giá 300 tỉ USD và trên 8 triệu lượt khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân đến Việt Nam mỗi năm. Những kết quả vừa qua mới chỉ là bước đầu, có tiến bộ nhưng so với chính chúng ta thì không được. Vì vậy, không được phép hài lòng, thỏa mãn mà phải tiếp tục làm tốt hơn nữa. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được, không hề tốn kém tiền bạc mà chỉ đòi hỏi nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm mà thôi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tất cả các bộ, ngành, nhất là người đứng đầu, tập trung chỉ đạo, quyết tâm triển khai để không những đạt mà còn vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết 19 đề ra. Từng bộ, ngành cần xây dựng chương trình, kế hoạch, đưa ra mục tiêu cụ thể, có kiểm tra, giám sát thực hiện và đích thân bộ trưởng chỉ đạo trực tiếp.
Thủ tướng sẽ kiểm tra nhiều lĩnh vực khác
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thủ tục nằm ngay trong những văn bản pháp lý hiện hành. Do đó, các bộ, ngành và Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, đồng thời lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp để kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ các thủ tục, quy định, quy trình gây phiền hà; tạo sự thông thoáng, thuận lợi nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các bộ, ngành liên quan phải tăng cường phối hợp, đồng thời hết sức chú ý đến khâu kiểm tra, giám sát, cho phép người dân, doanh nghiệp và báo chí giám sát và công khai mọi nỗ lực, tồn tại, hạn chế trong cải cách TTHC; thẳng thắn phê phán tổ chức, cá nhân nào không chấp hành hay chấp hành không tốt Nghị quyết 19.
Thủ tướng cho biết tới đây, trực tiếp Thủ tướng, các phó thủ tướng sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan nhằm kiểm tra việc cải cách TTHC trong các lĩnh vực thuế, BHXH, đăng ký kinh doanh, phá sản doanh nghiệp, cấp phép xây dựng.
Bình luận (0)