Hiện nay, các quận - huyện, phường - xã trên địa bàn TP HCM đang triển khai việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94 năm 2010. Cai ma túy theo hình thức này giúp người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội; không gián đoạn học tập, việc làm; giảm được sự kỳ thị và có cơ hội hòa nhập cộng đồng. “Mục đích này rất nhân văn. Tuy nhiên, việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đang gặp khó khăn do sự triển khai chưa đồng bộ” - bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM, nhận định.
Giấu, không khai báo
Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM, đến cuối tháng 11-2013 vẫn chưa quận - huyện nào thông báo có đối tượng tình nguyện đến khai báo tình trạng nghiện của mình. Trong khi đó, tại Trung tâm Tư vấn và Cai nghiện ma túy TP HCM, sau gần 1 năm triển khai, hiện chỉ có 69 lượt bệnh nhân đến chữa trị. Đây đều là những trường hợp do gia đình bắt ép đưa đến hoặc chính quyền phát hiện, đề nghị đến đăng ký.
Đồng quan điểm về việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng chưa khả thi, ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM - lo ngại: “Cai thuốc lá đã khó, cai ma túy càng khó cực kỳ. Gia đình có con tái nghiện là họ giấu, không cho ai biết. Chỉ khi nào chúng ta nắm được rõ ràng, cụ thể thì gia đình mới chịu cho con đi cai”.
Nhân sự bấp bênh
Theo ông Lê Xuân Tâm, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 10, TP HCM, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là đội ngũ y, bác sĩ thiếu chuyên môn.
“Vừa qua, đến các trạm y tế, tôi nghe họ than khi Sở Y tế TP HCM chỉ đạo gửi danh sách cán bộ đi tập huấn nhưng chọn đi chọn lại chỉ được 2 người. Hai người này lại làm ở bộ phận y tế dự phòng, chỉ có chuyên môn quản lý nhà nước. Như vậy, lực lượng điều trị, phác đồ điều trị ra sao, kỹ năng tư vấn đối tượng nghiện như thế nào... thì mình bế tắc” - ông Tâm nhận định.
Việc tuyển người chuyên trách quản lý đối tượng sau cai nghiện cũng gặp khó. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận Bình Thạnh - cho biết: “Mức thu nhập của họ không bảo đảm cuộc sống, trong khi công việc rất vất vả do địa bàn rộng, người nghiện nhiều”.
Tổ cán sự xã hội tình nguyện là lực lượng trực tiếp tiếp cận, hỗ trợ người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng nhưng mức trợ cấp rất thấp: Tổ trưởng 350.000 đồng, tổ phó 300.000 đồng và tổ viên 250.000 đồng/tháng. “Làm cán sự xã hội là chuyên lo việc thiên hạ. Các cán sự xã hội đều đóng nhiều “vai” ở địa phương, người là cựu chiến binh, thành viên hội phụ nữ, MTTQ... Họ làm việc này là vì cái tâm chứ mức hỗ trợ không đủ tiền xăng”. Anh Nguyễn Minh Tú - thành viên Tổ Cán sự xã hội kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận khu phố 1, phường 12, quận Bình Thạnh - tâm sự.
Dễ tái nghiện! Ông Đặng Văn Hiền - Trưởng Công an phường 12, quận Bình Thạnh - khẳng định dù người nghiện đã cai dứt nhưng gặp kẻ rủ rê thì cũng rất dễ tái nghiện. “Quản lý người sau cai nghiện là trong thời điểm nào đó thôi, chứ tính cả đời thì khó. Ai đã dính rồi là khó bỏ được” - ông nhấn mạnh. Thực tế hiện nay, tình trạng mua bán ma túy trên địa bàn vẫn còn tràn lan, người nghiện cần “hàng” là dễ dàng được đáp ứng. Vì chưa thể chặt đứt được nguồn cung ma túy nên việc cai nghiện càng khó. |
Bình luận (0)