Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam, cho rằng với vai trò đầu tư nắm giữ và vận hành một số đập thủy điện tại hạ nguồn kết hợp với việc xây dựng 13 thủy điện trên thượng nguồn, Trung Quốc đang đứng ở thế thượng phong trong việc kiểm soát sông Mê Kông. Tuy nhiên, nước này từ chối tham gia bất kỳ tổ chức hợp tác quốc tế nào liên quan đến dòng sông này.
Tăng sức mạnh cho MRC
Hiện nay, Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) là tổ chức quốc tế duy nhất liên kết các quốc gia sử dụng nguồn nước sông này. Tuy nhiên, sau nhiều lần nhận được đề nghị tham gia MRC, Trung Quốc chỉ tham gia như đối tác đối thoại, nghĩa là đến dự nhưng không chia sẻ thông tin hay đệ trình hoạt động trên sông Mê Kông phần lãnh thổ nước này lên MRC xem xét. “Hình thức tham gia này giúp Trung Quốc giữ thể diện trên các diễn đàn ngoại giao mà không phải nhận lấy bất kỳ cam kết nào mà họ không mong muốn” - TS Tứ nhận xét.
Tại tất cả diễn đàn quốc tế, Trung Quốc luôn chối bỏ những tác động tiêu cực do phát triển thủy điện thượng nguồn trên lãnh thổ mình gây ra với hạ du, mà cho rằng các hồ chứa này chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia hạ nguồn. “Một quốc gia không chấp nhận các nguyên tắc quốc tế trong sử dụng nguồn nước chung, việc xây dựng và khống chế một phần quan trọng nguồn nước sông Mê Kông chắc chắn sẽ xảy ra xung đột” - TS Tứ nói.
Theo bà Lâm Thị Thu Sửu, đại diện Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Lào luôn cho rằng họ xây dựng thủy điện để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nhưng trên thực tế thì các đập thủy điện gây ra cho người dân bản địa nhiều thiệt hại về môi trường sống, sinh kế…, thậm chí là tính mạng!
Những phần lợi ít ỏi không bù đắp được thiệt hại to lớn này, trong khi hầu hết lợi nhuận sẽ chỉ chảy vào túi các chủ đầu tư. Vì vậy, trong các cuộc họp giữa các nước hạ nguồn sông Mê Kông nên bàn nhiều về vấn đề chia sẻ lợi nhuận giữa các nước thành viên. Chẳng hạn, khi Lào không đầu tư thủy điện thì các khoản lợi nhuận đó sẽ được thu từ các nguồn khác, như hợp tác đầu tư giữa các nước thành viên, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, viện trợ từ các nước trong và ngoài khu vực… Theo bà Sửu, hiện cơ chế chia sẻ lợi nhuận ít được bàn bạc cụ thể giữa các nước hạ nguồn Mê Kông khiến mỗi nước có một chiến lược phát triển kinh tế rời rạc.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng muốn chấn chỉnh tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay thì cần cải cách lại bộ máy làm việc của MRC và điều chỉnh Hiệp định Mê Kông 1995.
“Sau 20 năm, nhiều nội dung trong hiệp định đã lỗi thời. Khi đó, các nước thành viên chưa thể hình dung tốc độ phát triển nhanh chóng trong lưu vực sông Mê Kông cũng như chưa lường hết được tác động tiêu cực của các công trình trên dòng chính, đặc biệt là các dự án thủy điện nên các quy định khá chung chung và lỏng lẻo. Vì vậy, nên có quy định về việc trưng cầu dân ý tại các nước, nếu không đạt được bao nhiêu % số lượng người đồng ý thì không được triển khai dự án trên dòng chính. Về tổng thể, việc cải tiến Hiệp định Mê Kông 1995 cũng như bộ máy hoạt động của MRC cần có sự tham gia của các nhà làm luật quốc tế cũng như các tổ chức uy tín để chặt chẽ và hiệu quả hơn” - ông Tuấn góp ý.
Khôi phục vùng chậm phân lũ
GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho rằng trong tình hình hiện nay, việc các nước xây dựng hệ thống hồ chứa thượng nguồn là không thể tránh khỏi. Vì thế, Việt Nam cần trang bị các kế hoạch ứng phó trên tất cả lĩnh vực: kỹ thuật, kinh tế, chính trị… Chẳng hạn, tại các vùng trũng, ngập lũ cần có kế hoạch thông báo, sơ tán dân vào những mùa thượng nguồn xả lũ cũng như có chính sách hỗ trợ người dân trong 3 tháng lũ, ảnh hưởng đến sinh kế.
Ông Hồng cũng lấy làm tiếc rằng trong quá trình phát triển kinh tế và hạ tầng, một số vùng chậm phân lũ của đồng bằng sông Hồng như vùng Tam Thanh (Phú Thọ), các đê bối ở sông Hồng (Hà Nội)… đã bị bỏ đi để đầu tư các công trình khác. “Điều này rất nguy hiểm vì khi lũ về thì không biết trữ ở đâu. Họ bảo đã có hồ chứa Sơn La, Hòa Bình để chứa lũ nhưng quên rằng Trung Quốc chủ yếu xả phía sông Hồng - nơi mà ta chưa có hồ chứa. Vì thế, cần tìm phương án trữ lũ thay cho những vùng đã bị mất vừa qua” - ông Hồng kiến nghị.
Bị kiện vì mua điện từ đập Xayaburi
Ngày 24-6-2014, Tòa án Tối cao Thái Lan đã ra án lệnh sẽ chấp nhận vụ kiện 5 cơ quan trực thuộc chính phủ Thái, trong đó có Công ty Điện lực Thái Lan, do đã thỏa thuận mua 95% lượng điện sản xuất từ con đập Xayaburi. Vụ kiện khởi đầu từ tháng 8-2012 bởi 37 dân làng thuộc các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, vùng bị ảnh hưởng trực tiếp từ con đập Xayaburi.
Bình luận (0)