Vừa qua, khi mổ xẻ nguyên nhân xuất hiện những vết nứt trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 2 ngày đưa vào sử dụng, đại diện Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), đổ tại nền đất yếu và khẳng định đây là chuyện dĩ nhiên, đã tiên lượng trước. Giải thích này không mới bởi trước đó, nhiều vụ lún, nứt các con đường giá trị “khủng” cũng được các chủ đầu tư viện lý do này.
“Nền đất yếu” - điệp khúc muôn thuở
Cụ thể, sau 5 tháng thông xe, mặt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn qua xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) bị xé loang lổ, nhiều hố sâu xuất hiện. Lý giải nguyên nhân, đại diện VEC cho rằng các vị trí hư hỏng nằm trong khu vực nền đất yếu, theo thiết kế cần gia tải chờ lún từ 4-7 tháng.
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương dài 62 km với tổng vốn toàn tuyến gần 10.000 tỉ đồng sau 1 năm đưa vào sử dụng cũng xuất hiện nhiều ổ gà cùng những vết nứt, lún trên đoạn nối từ Tân Tạo đến Chợ Đệm dài 9,6 km. Nguyên nhân cũng được giải thích do nền đất yếu, trong giai đoạn chờ bù lún.
Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng số vốn đầu tư là 20.630 tỉ đồng mới đưa vào sử dụng chưa bao lâu thì Hội đồng Nghiệm thu nhà nước phát hiện nhiều bất ổn. Cụ thể, gói thầu số 3 đoạn đi qua huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) dài khoảng 20 km xuất hiện hiện tượng lún, lệch 3-5 cm. Riêng các gói thầu 7, 8 và 9 thì bề mặt bê tông bị rỗ, mặt cầu tại nút giao vành đai 2 có một số vị trí bị nứt. VEC giải thích vị trí lún nằm ở điểm tiếp giáp giữa 2 khu vực xử lý lún bằng 2 phương pháp khác nhau là bơm hút chân không và cọc xi-măng đất. Ngoài ra, VEC cũng ca lại điệp khúc cũ: Khu vực có nền đất yếu nên lún là khó tránh khỏi!
Có trách nhiệm của nhà nước
Theo chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh, suất đầu tư cho đường cao tốc Việt Nam không phải là thấp so với thế giới, dự án sau lại cao hơn dự án trước. Như khu vực phía Nam, suất đầu tư cao tốc TP HCM - Trung Lương đã cao nhưng chỉ bằng khoảng 1/2 suất đầu tư cao tốc
TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và khoảng 1/3 suất đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành (giai đoạn 1). Điều đáng nói là các dự án đường cao tốc ở Việt Nam từ khâu khảo sát thiết kế đến thi công đều có sự tham gia của các đơn vị tầm cỡ mà chủ đầu tư thường là VEC, đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Khi nghiệm thu đưa vào sử dụng đều có sự hiện diện của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước. Với những điều kiện đặc biệt như thế nhưng tại sao vừa mới đưa vào sử dụng, các đường cao tốc đều gặp sự cố? TS Phạm Sanh lý giải: Thứ nhất: Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về khảo sát thiết kế và nghiệm thu thi công đường cao tốc của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, hầu như chỉ phát triển thêm một ít trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật cho đường ô tô. Thứ hai: Thiếu tính công khai minh bạch khi thực hiện các dự án cao tốc. Thứ ba: Vai trò và trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu nhà nước không rõ ràng dẫn đến thái độ ỷ lại, đẩy trách nhiệm khi xảy ra sự cố của chủ đầu tư cho hội đồng. Thứ tư: Khi xảy ra sự cố, Bộ GTVT không xử lý theo Luật Xây dựng, thậm chí xem sự cố chỉ là khiếm khuyết chất lượng, không xử lý và rút kinh nghiệm đến nơi đến chốn.
Vì vậy, theo TS Phạm Sanh, ngoài rà soát bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến khảo sát thiết kế và nghiệm thu thi công cho đường cao tốc ở từng khu vực đặc thù, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan phải kiên quyết xử lý nghiêm, quy trách nhiệm rõ ràng các cá nhân, đơn vị tham gia xây dựng công trình cao tốc xảy ra sự cố. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần sớm nghiên cứu tham mưu Chính phủ xem lại vai trò trách nhiệm của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, không nên để đơn vị này can thiệp quá sâu vào các dự án đường cao tốc khi không đủ điều kiện và năng lực chuyên môn.
Xử “vết nứt vô hình”
TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM - cho rằng xử lý những vết nứt hữu hình không khó, cái khó là xử lý những “vết nứt vô hình”. Khi thi công các công trình đường cao tốc, khâu quan trọng nhất là chọn nhà thầu. Vậy mà đấu thầu thế nào, năng lực đơn vị trúng thầu ra sao... thì chỉ có Bộ GTVT và trời mới biết. Để khi xảy ra sự cố thì người dân được giải thích là do nguyên nhân khách quan và nền đất yếu. Việc thanh tra, xử lý trách nhiệm các bên do cơ quan của Bộ GTVT tiến hành nên khó mà minh bạch. “Để ngăn chặn những vết nứt hữu hình, cần ngăn chặn những vết nứt vô hình trên bằng những chính sách minh bạch, công khai từ khâu tuyển chọn nhà thầu đến kiểm tra, xử lý trách nhiệm đơn vị để xảy ra sự cố” - TS Nguyên kiến nghị.
Bình luận (0)