PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC:
Lắng nghe dân
Chính phủ mới sẽ đồng tâm hiệp lực, hỗ trợ nhau trong công việc, đi sát nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để thực hiện tốt mục tiêu, giải pháp mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra. Trong đó, đặc biệt tập trung xử lý các vấn đề bức xúc của nhân dân mà báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu tại Đại hội XI. Chính phủ và mỗi thành viên Chính phủ phải tập trung giải quyết nhiệm vụ rất quan trọng là tập trung giải quyết 3 nhiệm vụ đột phá mà Thủ tướng đã nhấn mạnh (...).
PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH:
Huy động hiệu quả mọi nguồn lực
Thách thức, khó khăn đối với kinh tế không phải là nhỏ. Nó vừa có yếu tố nội tại của nền kinh tế mà chúng ta không phải một sớm một chiều khắc phục nhanh được, phải có bước đi, có lộ trình, có giải pháp đồng bộ. Như muốn cơ cấu lại nền kinh tế thì phải cơ cấu từ sản xuất, cơ cấu từ doanh nghiệp… có vô vàn vấn đề đặt ra. Thêm vào đó, tình hình chung của nền kinh tế thế giới không được thuận lợi, xu hướng phục hồi chậm, lạm phát cao, trong khi chúng ta hội nhập khá rộng nên đã chịu tác động. Đó là những thách thức rất lớn, chúng ta cần tập trung sức lực để vượt qua.
Từ những khó khăn trên, Chính phủ xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có chiến lược tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để giải quyết tốt, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, cho đời sống của người dân. Nguồn lực Nhà nước là quan trọng để định hướng đầu tư, nhưng rất cần huy động các nguồn lực khác, từ xã hội thông qua các cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài Nhà nước, người dân tham gia đầu tư. Công tư kết hợp là tinh thần của chủ trương thu hút đầu tư và cũng là mục tiêu của Chính phủ.
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH VƯƠNG ĐÌNH HUỆ:
Ưu tiên số 1: Chống lạm phát
Kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ ưu tiên số 1, nhiệm vụ hàng đầu của tôi trên cương vị mới. Trong những năm gần đây, nền kinh tế, ngành tài chính đã có nhiều kinh nghiệm vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời kỳ lạm phát, suy giảm kinh tế và tôi tin sẽ tiếp tục vượt qua.
Chính sách tài chính quốc gia trong 5 năm tới sẽ tiếp tục hướng vào các trọng điểm là động viên một cách hợp lý tất cả nguồn lực của đất nước cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và phân bổ nguồn lực một cách đúng đắn nhất nhằm nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Đúng là khi nền kinh tế rơi vào suy giảm, thông thường biện pháp đầu tiên và quan trọng là áp dụng chính sách tiền tệ nhưng chính sách tài khóa cũng phải được sử dụng một cách linh hoạt. Sự phối hợp tốt sẽ làm cho nền kinh tế không bị suy giảm sâu, vượt qua suy thoái mà chính sách miễn, giảm thuế được Chính phủ trình ra QH vừa qua là một ví dụ.
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH - ĐẦU TƯ BÙI QUANG VINH:
Không còn chuyện đua mở cảng, xây sân bay
Trong thực tế đã có tình trạng địa phương đầu tư nhiều sân golf, cảng biển, sân bay… Do vậy, tới đây, vấn đề quy hoạch phải được thực hiện một cách quyết liệt. Những cảng biển đơn thuần là bến đỗ thì cho phép các tỉnh tự quyết định và tự lo vốn, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào những cảng quốc tế, cảng trung chuyển lớn như tập trung đầu tư cho cảng Hải Phòng, với đầu tư hạ tầng kết nối thật mạnh. Đối với sân bay, đường cao tốc cũng làm theo hướng này. Lãnh đạo các địa phương đều muốn địa phương mình phát triển nhưng với tư cách là tư lệnh lĩnh vực quy hoạch kinh tế, tôi sẽ cố gắng thuyết phục các địa phương bằng luận cứ khoa học để không còn tình trạng chạy đua xây cảng, làm sân bay.
Tuy nhiên, tôi cho rằng từng bộ, ngành muốn phát huy vai trò nhạc trưởng thì cần phân cấp rõ ràng. Việc gì thuộc Chính phủ, việc gì thuộc bộ trưởng hay thuộc UBND tỉnh để có đủ quyền thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm.
TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ HUỲNH PHONG TRANH:
Tôi sẽ tránh cám dỗ
Nhận trọng trách Tổng Thanh tra Chính phủ, đối với tôi là vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Vị trí này là chiếc ghế “nóng”, với nhiều vấn đề nhạy cảm. Nhưng tôi tin tưởng với sự chỉ đạo của Chính phủ, kinh nghiệm, sự đồng tâm của anh em trong cơ quan, cũng như ngành thanh tra cả nước và kinh nghiệm, quyết tâm của chính bản thân, tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện chức trách, chắc chắn sẽ gặp phải nhiều gian nan, khó khăn nhưng đây sẽ là thử thách, là cơ hội rèn luyện.
Phê chuẩn các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ngày 3-8, QH đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đệ trình. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Các ủy viên của hội đồng là Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Theo Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch nước là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Như vậy, sau khi được QH bầu làm Chủ tịch nước ngày 25-7 vừa qua, ông Trương Tấn Sang cũng đồng thời đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh thay người tiền nhiệm là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Hội đồng Quốc phòng và An ninh động viên mọi lực lượng và khả năng của Nhà nước để bảo vệ Tổ quốc. Trong trường hợp có chiến tranh, QH có thể giao cho Hội đồng Quốc phòng và An ninh những nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
P. Dương |
Trình Quốc hội Dự Luật Biển vào cuối năm nay Cần có luật về biểu tình Chiều 3-8, QH thảo luận và cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2011. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết theo dự kiến chương trình, có 7 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2011. Đáng chú ý trong đó có Dự Luật Biển Việt Nam. Về chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2012, dự kiến có 28 dự án luật, 1 dự án nghị quyết, 2 dự án Pháp lệnh. Riêng dự án Luật Thủ đô được xem là khá “vất vả”, Ủy ban Thường vụ QH tán thành đề nghị của Chính phủ trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10 - 2012). Thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) hoan nghênh đưa Dự Luật Biển vào chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2012. Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Trung Quốc, cần thiết và mong sớm có dự án luật về biểu tình. Ông Quốc cho biết từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh về quyền biểu tình, góp phần vào việc giành độc lập của dân tộc. Đồng tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng nhất trí với quan điểm đưa dự án luật về biểu tình vào chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2012 (chương trình chuẩn bị). Theo ông Nghĩa, đây là nhu cầu của đời sống xã hội và người dân hiểu họ có quyền biểu tình được quy định trong Hiến pháp nên cần sớm thể chế hóa bằng luật để điều chỉnh.
T.Dũng |
Bình luận (0)