Khó khăn quá, đói quá, nông dân ở nhiều địa phương đã trồng lúa trên đất 5% vốn được giao trồng rau màu. Chỉ có 5% diện tích song do được canh tác, chăm bón tốt nên năng suất cao đã giúp “gỡ” lại cuộc sống của người dân. Trong khi đó, 95% diện tích HTX làm ăn kiểu “rong công, phóng điểm”, gõ kẻng ra đồng, hết giờ gõ kẻng lại về thì năng suất rất thấp, chia ra chỉ vài ba lạng thóc mỗi công.
Từ người dân đến địa phương, một số nơi đã “khoán chui”, giao phần đất HTX cho nông dân làm như đất 5%. Cách làm khoán hộ mà ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (gồm Phú Thọ và Vĩnh Phúc hiện nay), cho làm từ năm 1966 song bị đình lại nay tiếp tục hồi sinh. HTX khoán 3 khoản: diện tích, công điểm và sản lượng cho nông dân, nếu vượt khoán thì được hưởng tất. Thực tiễn cho thấy nơi nào, địa phương nào khoán thì năng suất và sản lượng đều tăng mạnh.
Năm 1980, có một cuộc họp quan trọng với các HTX ở tỉnh Hải Hưng (gồm Hải Dương và Hưng Yên hiện nay) do ông Lê Thanh Nghị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, chủ trì. Khi đó, ông Đoàn Duy Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đang rất ủng hộ mở rộng khoán. Ông Lê Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng, là người chống việc khoán quyết liệt tới mức từng nói nếu làm được thì ông cũng làm để ngăn khoán từ Hải Phòng lan sang Hải Hưng. Lúc ấy tôi là thư ký cho ông Lê Thanh Nghị. Ông có nói là nếu đưa ngay việc khoán vào Nghị quyết của Đảng thì khó, nên đưa giải pháp hài hòa lợi ích tập thể và xã viên, trong đó lợi ích xã viên là động lực trực tiếp. Ông Lê Thanh Nghị đã có bài phát biểu tại cuộc họp theo tinh thần đó đã yêu cầu đưa đăng Báo Nhân Dân nhưng bảo đưa cho ông Trường Chinh, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, xem trước. Ông Trường Chinh xem xong, đồng ý cho đăng nhưng gạch màu đỏ dưới các chữ “lợi ích xã viên là động lực trực tiếp”. Ông Trường Chinh coi đây là vấn đề hệ trọng vì tư duy lúc ấy là lợi ích tập thể trên hết, còn lợi ích cá nhân bị cho là xấu.
Đến ngày 13-1-1980, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 100 về mở rộng khoán sản phẩm tới nhóm người lao động sau khi tổng kết về khoán sản phẩm tới hộ ở Hải Phòng. Chỉ thị này là một bước đột phá lớn nhưng vẫn dùng từ “nhóm người lao động” và “kiêng” không dùng tới từ khoán hộ như ở Hải Phòng vì hộ có thể là vài người nhưng cũng có thể là một người (cá nhân).
Sau này, ông Trường Chinh đã thăm nhiều HTX thực hiện việc khoán sản phẩm. Trong đó, ông có về thăm quê ở thôn Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) để nghe bà con, họ hàng thân thiết trò chuyện thẳng thắn về khoán sản phẩm.
Tháng 7-1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời khi đang chuẩn bị cho Đại hội VI. Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh sau khi được bầu làm Tổng Bí thư đã tiếp tục lãnh đạo việc chuẩn bị cho đại hội. Ông đã có công nâng những đúc rút từ thực tiễn đổi mới ở Hải Phòng, TP HCM và Long An lên thành những quan điểm lớn trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội VI, trong đó có 3 quan điểm lớn về đổi mới kinh tế: 1. Chấp nhận kinh tế nhiều thành phần (không cải tạo để xóa bỏ các thành phần kinh tế tư hữu); 2. Xóa bỏ quan điểm ưu tiên công nghiệp nặng, lấy công nghiệp nặng làm ưu tiên (mất nhiều vốn, thời gian xây dựng lâu nên hiệu quả thấp) và chuyển sang 3 chương trình trọng điểm là: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; 3. Vận dụng quan hệ tiền tệ trong quản lý kinh tế, mở đường cho lưu thông sản phẩm.
Hồng Kỳ ghi
Bình luận (0)