Theo phản ánh của anh P.V.D, ngụ tại phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh, cuối năm 2007, Vũ Thanh Tùng (SN 1980) đang công tác tại Đội Cảnh sát 113 - Công an tỉnh Bắc Ninh đã tới vay của anh 100 triệu đồng. Để tạo sự tin tưởng với anh D., Tùng đã viết giấy vay tiền và để lại thẻ ngành. Tuy nhiên, sau đó Tùng liên tục lẩn tránh và khất lần thời gian hoàn trả khoản nợ.
Giấy vay nợ và thẻ ngành của Đặng Trần Đức cầm cố ở tiệm cầm đồ. Ảnh: Xuân Trung
Cầm tiền, lặn sâu
Sau nhiều lần đòi nợ bất thành và phát hiện Tùng còn vay nợ của nhiều người khác ở phường Thị Cầu với số tiền rất lớn, anh D. đã tìm tới Công an tỉnh Bắc Ninh để phản ánh. Đến lúc này, anh D. mới phát hiện Tùng đã làm đơn xin ra khỏi ngành từ lâu.
Với cách thức tương tự, khi đang công tác tại Công an TP Bắc Ninh, Đặng Trần Đức (SN 1981) đã hai lần viết giấy vay tiền của anh P.V.D với tổng số tiền lên tới 180 triệu đồng và để lại thẻ ngành được cấp ngày 1-3-2007. Tuy nhiên, đến năm 2008, Đức đã xin ra khỏi ngành công an và cũng không trả anh D. số tiền đã vay. Ngoài ra, Đức còn đang nợ chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt trú tại phường Tiền An, TP Bắc Ninh số tiền 30 triệu đồng.
Một số chủ hiệu cầm đồ tại TP Bắc Ninh còn cho phóng viên Báo Người Lao Động xem một số giấy vay nợ viết tay của các chiến sĩ được cho là đã công tác trong ngành công an ở Bắc Ninh (đã về hưu hoặc xin rời khỏi ngành) rồi xù nợ với số tiền vài trăm triệu đồng.
Thẻ chỉ thể hiện... lòng tin!
Thượng tá Nguyễn Văn Trì, Phó trưởng Công an TP Bắc Ninh, cho biết sự việc Đặng Trần Đức sử dụng thẻ ngành công an đi “cắm” ở hiệu cầm đồ để vay số tiền lớn là có thật. Tuy nhiên, đến nay số tiền mà Đức đã vay là bao nhiêu thì không thể có con số chính xác. Đức tốt nghiệp ĐH ngoài ngành công an, sau đó được tuyển vào làm việc tại Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Bắc Ninh từ năm 2007. Tuy nhiên, sau khoảng một năm làm việc tại đây, đã có nhiều luồng dư luận không hay về Đức, trong đó có việc đang nợ nần một số tiền lớn. Sau đó, Đức liên tục ốm đau và có nhiều biểu hiệu thần kinh không ổn định nên gia đình đã làm đơn xin cho Đức ra khỏi ngành. “Khi chúng tôi tiến hành thu thẻ ngành công an thì Đức báo đã làm mất” - ông Trì nói.
Đối với trường hợp của Vũ Thanh Tùng, Thanh tra Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đã chuyển hồ sơ về Công an TP Bắc Ninh giải quyết, tuy nhiên ông Trì khẳng định chưa nhận được.
Trả lời câu hỏi “Trường hợp chiến sĩ công an sao chụp từ thẻ ngành ra nhiều thẻ khác nhau rất khó phân biệt để cầm cố vay tiền, rồi không trả nợ thì có được coi là lừa đảo hay không?”, thượng tá Nguyễn Văn Trì cho biết không thể coi đó là lừa đảo. “Thẻ đó chỉ được coi là lòng tin của hai bên với nhau khi cho vay tiền và nếu xét về giá trị tài sản thì nó không có giá trị nào cả”.
Có thể khởi kiện ra tòa
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, cho rằng việc các chiến sĩ thuộc ngành công an mà sử dụng thẻ ngành để mang cầm cố ở hiệu cầm đồ là đã vi phạm quy định của ngành công an và sẽ phải bị xử lý kỷ luật ngành. Nếu có bằng chứng cho thấy các chiến sĩ công an sử dụng thẻ ngành công an nhân dân để cầm cố tại cửa hiệu cầm đồ lấy một khoản tiền nào đó thì xem như hai bên đã ký kết một hợp đồng vay nợ không có tài sản bảo đảm.
Và cho dù các chiến sĩ công an đã ra khỏi ngành thì các chiến sĩ công an đó vẫn phải có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho bên còn lại như thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Bên còn lại (người cho vay tiền) có quyền khởi kiện ra TAND có thẩm quyền để đòi lại số tiền đã cho vay cũng như các khoản lãi phát sinh. Về khía cạnh pháp luật hình sự, trường hợp các chiến sĩ công an đã vay tiền từ 4 triệu đồng trở lên mà có hành vi trốn tránh, lừa dối, bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền đã vay thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. |
Bình luận (0)