Trên đây là một trong những nội dung của Quyết định 4503 do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến vừa ký ban hành, quy định về việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Đà Nẵng.
“Đánh” vào lòng tự trọng của cán bộ
Công khai dán số điện thoại của chủ tịch và bí thư tại trụ sở phường
Xuân Hà, quận Thanh Khê - Đà Nẵng để người dân phản ánh khi cần
Đến cuối năm, trong danh mục thi đua thủ tục cải cách hành chính các cơ quan, số lần xin lỗi của cán bộ công chức sẽ phản ánh năng lực, thái độ và cung cách làm việc của công chức, qua đó làm cơ sở để đánh giá chỉ số cạnh tranh của cơ quan đó. Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng |
Người dân vui mừng, cán bộ ủng hộ
Theo ông Đặng Công Ngữ, việc chủ tịch UBND TP ban hành quy định này không phải vì công chức, viên chức Đà Nẵng lâu nay nhùng nhằng trong khâu giải quyết hồ sơ. Thực tế, mức độ hài lòng của người dân đối với công chức ở các cấp tại Đà Nẵng đã cao nhưng vẫn còn “vấn đề”. Vì thế, quy định xin lỗi dân bằng văn bản (nếu làm sai) là nhằm nâng cao trách nhiệm của công chức đối với người dân.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, cán bộ tiếp nhận giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa tại Phòng Đăng ký Kinh doanh thương mại quận Thanh Khê, nhận xét quy định nói trên ra đời là sự đổi mới mạnh mẽ cách làm việc của cán bộ công chức, hướng tới việc phục vụ người dân được tốt hơn. “Bản thân tôi cũng không mong là mình sẽ xin lỗi người dân. Vì vậy, mình phải làm việc bằng niềm đam mê gắn liền với trách nhiệm của một công chức để phục vụ người dân tốt hơn” - anh Sơn nói.
Trong khi đó, tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, ngoài việc lắp đặt hệ thống camera để theo dõi, lãnh đạo phường còn cho dán công khai số điện thoại của chủ tịch và bí thư phường ngay trước phòng nhận và trả hồ sơ để người dân kịp phản ánh nếu bị cán bộ công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà. Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê - địa phương luôn dẫn đầu về việc thực hiện tốt cơ chế một cửa, cho biết ông rất ủng hộ quy định mới này, đây là một thứ “vũ khí” lợi hại để chấn chỉnh công chức, viên chức.
Hết “cửa” trục lợi, lạm quyền
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến, nói: “Cán bộ công chức làm sai phải xin lỗi dân, đây là chuyện không có gì xấu hổ mà là một cử chỉ rất văn hóa, mang tính truyền thống của người dân Việt Nam”.
Cũng theo ông Chiến, Quyết định 4503 là một bước phát triển của những quy định trước đó về cải cách thủ tục hành chính, thống nhất việc thực hiện các cơ chế về giải quyết thủ tục hành chính cho tất cả cơ quan, đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn thay vì quy định riêng cho từng nhóm cơ quan, đơn vị như trước đây.
Ngoài ra, quy định này cũng giải quyết được tình trạng các cơ quan, đơn vị lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất về quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục.
Các trường hợp cố tình lợi dụng quyền hạn để trục lợi trong khi giải quyết thủ tục hành chính cho công dân chắc chắn bị ngăn chặn và xử lý thích đáng. |
Đột phá nhưng phải đồng bộ
Theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, Quyết định 4503 của TP Đà Nẵng rất đáng được hoan nghênh, làm tăng trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt ở các lĩnh vực “nóng” như đất đai, xây dựng, thuế…
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng chính sách một cửa cải cách thủ tục hành chính đang có những bước thay đổi đáng kể. Nhiều năm qua, TP Đà Nẵng đã có nhiều cải tiến nhằm xây dựng chính quyền công dân kiểu mới: sẵn sàng đối thoại với người dân để phát triển kinh tế - xã hội, an dân...
Theo ông Phúc, quy định hiện hành yêu cầu người phát ngôn ở các sở, bộ, ngành phải lắng nghe, chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thấu đáo các sự việc người dân thắc mắc, phản ánh. Trong giao tiếp bình thường, cán bộ cũng thường hứa giải quyết vụ việc trong thời gian bao lâu hoặc có quy định cụ thể về thời gian hoàn thành thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, TP Đà Nẵng đã làm kỹ hơn thông qua việc cơ quan công quyền có văn bản xin lỗi người dân nếu làm chậm trễ hoặc sai sót hồ sơ đến 2 lần.
“Tùy vào tình hình thực tế, lãnh đạo các địa phương có thể đưa ra những quy định để giảm bớt thủ tục hành chính sao cho hợp lý. Tôi cho rằng quy định của Đà Nẵng thực sự là đột phá về cách làm” - ông Phúc đánh giá.
Điều cốt yếu khi thực hiện quy định này, theo ông Thang Văn Phúc, là phải tuân thủ nguyên tắc không có “vùng cấm” trong việc xin lỗi người dân khi để xảy ra chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, không thể có nơi thực hiện, nơi không, cấp dưới thực hiện nghiêm, cấp trên thì lơ là... Thế Kha |
Bình luận (0)