Thảo luận tại tổ về việc sửa đổi Nghị quyết 35/2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn chiều 6-6, ông Nguyễn Sĩ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết trong quá trình thẩm tra tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có nhiều ý kiến đề xuất chỉ nên có hai mức độ đánh giá là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho thấy những người có “tín nhiệm thấp” rất ít, chủ yếu rơi vào “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”. “Nếu cứ như vậy thì chế định bỏ phiếu tín nhiệm chắc chắn sẽ không bao giờ thực hiện được” - ông Cương thẳng thắn.
Theo ông Cương, việc đại biểu Quốc hội tiếp cận thông tin để đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm đang gặp nhiều hạn chế. Các đại biểu chủ yếu dựa vào hai “kênh” thông tin là báo cáo của người giữ chức vụ và báo chí. Tuy nhiên trong lần lấy phiếu tín nhiệm năm ngoái, có cán bộ đưa ra bản báo cáo dài tới hàng chục trang giấy, như một bản tổng kết hoạt động của ngành nhưng cũng có người chỉ viết báo cáo trong 2-3 trang. “Như thế việc đánh giá của đại biểu Quốc hội sẽ rất chung chung, vẫn chủ yếu dựa vào báo cáo mà thôi. Tôi nghĩ bây giờ nếu đánh giá thì sự đánh giá của cá nhân tôi cho các bộ trưởng cũng chỉ là cảm tính. Việc đánh giá này không phải để làm hại, triệt hạ một đồng chí nào cả và các đại biểu Quốc hội đều có suy nghĩ chung như vậy. Ai cũng mong đánh giá của mình được thực chất hơn” - ông Cương băn khoăn.
Ông Cương cho rằng việc sửa Nghị quyết 35 nhằm hướng tới sự dân chủ trong việc việc lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên Nghị quyết 35 được ban hành theo Hiến pháp cũ trước đây. Hiến pháp hiện hành đã không còn chế định “lấy phiếu tín nhiệm”, mà chỉ có quy định về “bỏ phiếu tín nhiệm”, chính vì thế việc sửa nghị quyết lần này phải làm sao cho hợp lý, tránh vi hiến.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng chung nỗi băn khoăn như ông Cương về việc Hiến pháp 2013 đã không còn hiến định “lấy phiếu tín nhiệm”.
Cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ ảnh hưởng đến điều hành, đại biểu Khánh cho biết khi tiếp xúc cử tri đã nhận được rất nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên duy trì hai mức đánh giá tín nhiệm. “Chúng ta không nên lo sợ càng làm càng có khuyết điểm… Như Bộ trưởng Thăng bây giờ điều chỉnh rất tốt, cần gì phải thông qua lấy phiếu tín nhiệm mới điều chỉnh đâu. Chúng ta đứng ở đây đại diện cho nhân dân thì phải nói tiếng nói của nhân dân để làm sao nghị quyết này sửa đổi phù hợp… Cán bộ chúng ta rất dồi dào, kinh qua nhiều lĩnh vực, đại biểu nhân dân bỏ phiếu là chính xác” - bà Khánh bày tỏ.
Cũng nghiêng về phương án chỉ nên giữ hai mức đánh giá là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng cán bộ quá 50% phiếu "không tín nhiệm" hoặc "tín nhiệm thấp" thì nên vận động từ chức ngay. “Xây dựng nếp sống văn hóa từ chức cho nó nhẹ nhàng đi, chứ đừng nặng nề quá”, bà An đánh giá.
Ủng hộ phương án mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và chỉ duy trì hai mức “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) bình luận: “Như thế sẽ biết mình đã đến barie hay chưa, chứ không thể để đại biểu đánh giá tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp”.
Ông Hà cho rằng nếu mỗi năm lấy phiếu tín nhiệm được một lần là tốt nhất, bởi thực tế cho thấy đã có nhiều bộ trưởng có những thay đổi như Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. “Vừa qua khi nghe Hội nghị Trung ương nói mỗi nhiệm kỳ chỉ lấy tín nhiệm một lần thì hình như các đồng chí đã có sự chững lại” - ông Hà phản ánh.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao, ủng hộ phương án giữ nguyên 3 hình thức đánh giá tín nhiệm như hiện nay. Tuy nhiên ông Bình kiến nghị nên bổ sung “động tác” vận động cán bộ có 80% “tín nhiệm thấp” từ chức hoặc xin về hưu sớm, không cần phải tiến hành bỏ phiếu.
Bình luận (0)