Chiều 20-7, sau khi đi kiểm tra hiện trường, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay qua khảo sát thực tế có thể đưa ra nhận định ban đầu. Ông nhìn nhận đây là khu vực cấm, ngay bản thân ông cùng đoàn công tác và các phóng viên muốn vào khu vực phá rừng cũng phải được UBND huyện lập danh sách để xin vào nhưng không hiểu sao lâm tặc lại rất tự tin, liều lĩnh như vậy.
“Điểm phá rừng không cách xa chúng ta đang ngồi đây. Điểm tập kết, cất giấu gỗ cũng quanh khu vực này. Trong đó có những điểm đáng chú ý là ngay bên hông biên phòng được che giấu ngụy trang, ngay sau lưng biên phòng. Điểm thứ 2 là ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang. Cần suy nghĩ về vấn đề này.
Một gốc pơ mu cổ thụ bị lâm tặc triệt hạ
Đi đường rừng rất khó khăn, mỗi người vận chuyển khúc gỗ qua bao nhiêu tai mắt, bao nhiêu lực lượng vì sao không phát hiện được. Tại sao lại có chuyện số gỗ ngay trong khuôn viên, ngay bên trụ sở?” – ông Thanh đặt vấn đề và yêu cầu các cá nhân, đơn vị nghiêm túc nhận trách nhiệm, không có quanh co.
Dù thế, khi đứng lên phát biểu, ông Lê Trung Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang, người vừa bị tạm đình chỉ công tác tiếp tục khẳng định hơn 100 phách gỗ pơ mu trong khuôn viên trụ sở một phần do phía Lào cho.
“Thấy tình trạng nhà cửa tạm bợ, không khang trang nên một số doanh nghiệp sau khi hoàn thành thủ tục thì cho đơn vị ít, một số của người Lào qua lại cho. Cán bộ có mua lại một số để dùng. Số gỗ này không theo quy cách. Phần lớn để rất lâu, có nhiều tấm từ năm 2012. Chúng tôi chưa có điều kiện sửa sang nhà cửa, đóng tủ bàn riêng tư cho anh em” – ông Thịnh nói và cho hay bản thân ông “rất xót xa” và “rất buồn” khi bị cơ quan đã đình chỉ công tác.
Đại tá Nguyễn Đăng Chung, Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết liên quan đến vụ việc này, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã triệu hồi Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang và Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang ra Hà Nội làm việc. "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm thiếu sót trong việc quản lý, để xảy ra vụ việc như vậy" – ông Chung nói.
Tại buổi làm việc chiều 21-6, nhiều ý kiến tố lực lượng biên phòng tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang gây khó dễ. Trong đó, lực lượng công an cho biết sau khi trinh sát nắm thông tin có cả một kho cất giấu khoảng 20 m3 gỗ nên xin vào kiểm tra thì biên phòng không cho vào vì là “vùng cấm”. Sau đó một ngày, số gỗ này đã bị tẩu tán.
Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cũng tố lực lượng biên phòng gây khó dễ đối với chính quyền địa phương mỗi lần muốn đi tuần tra, truy quét lâm khoáng tặc. Chủ rừng cho rằng đã gửi quy chế phối hợp nhưng gần 1 năm qua không được biên phòng phản hồi.
Một số hình ảnh vụ phá rừng pơ mu trăm tuổi do phóng viên Báo Người Lao Động ghi lại:
Con đường duy nhất vào khu vực rừng pơ mu
Để vào khu vực này không còn phương pháp nào khác ngoài cuốc bộ chừng 2 giờ
Luồn rừng để vào điểm rừng pơ mu bị phá
Lâm tặc vô tư phá rừng như ở chốn không người
Lâm tặc sử dụng cưa để phá rừng trong khu vực được cho là bất khả xâm phạm
Cơ quan chức năng nhận định sau khi cưa xẻ thành phách, lâm tặc vận chuyển bằng cách gùi từng phách gỗ ra khỏi rừng
Không ai không đau lòng khi chứng kiến cảnh rừng pơ mu quý hiếm bị triệt hạ
Ông Lê Trí Thanh (áo trắng) cho rằng có nhiều điều đáng suy nghĩ trong vụ phá rừng này
Ông Thanh cũng nhìn nhận lâm tặc rất tư tin phá rừng như chốn không người
Ngoài những cây đã đổ ngã, nhiều cây pơ mu khác bị lâm tặc chặt gốc
Bình luận (0)