Ngày 9-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.
Công khai tài sản ở nơi cư trú
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu thực tế: Do chưa ai bị xử lý vì kê khai tài sản sai nên có cán bộ đã kê khai khống tài sản để đón đầu tài sản phát sinh sau này.
Để PCTN hiệu quả, theo ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản để ngăn việc chuyển tài sản cho người thân. “Cần xử lý hành chính, thậm chí là hình sự với những trường hợp kê khai tài sản không trung thực” - ông Nhiên đề xuất.
Không nên đặc xá, giảm án cho tội tham nhũng
ĐB Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn) đề nghị dự luật cần quy định rõ người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải bị cách chức khi có người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng. ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) góp ý nên chỉnh sửa quy định “người có chức vụ quyền hạn mà chủ động từ chức khi có hành vi tham nhũng thì được giảm nhẹ trách nhiệm nhận kỷ luật hoặc hình sự”. Vì theo ông, quy định này sẽ dẫn đến hậu quả: “Cứ tham nhũng đi, sẽ thoát tội nếu từ chức”.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng với tội phạm tham nhũng, không được đặc xá, giảm án hay án treo. Phải coi tham nhũng như tội phản quốc bởi như vậy mới có thể PCTN hiệu quả. Làm nóng không khí nghị trường, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị cần có cơ chế ngăn chặn tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” như đưa chế định hồi tố vào luật. ĐB Nguyễn Sỹ Cương đề nghị “tất cả cán bộ, công chức tham những phải bị buộc thôi việc mà không khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ thưởng”. Ông Cương chia sẻ: “Tôi thấy có trường hợp công chức bị đi tù vì liên quan đến tham nhũng nhưng sau đó lại được cơ quan cũ tiếp nhận”.
Tổ chức PCTN cần thuộc cơ quan quyền lực cao nhất
Trong cả ngày thảo luận, có nhiều ý kiến khác nhau về mô hình cơ quan PCTN. Có ĐB cho rằng cơ quan này cần trực thuộc QH, có ĐB đề nghị thuộc Chính phủ hay do Chủ tịch nước trực tiếp chỉ huy nhưng cũng có nhiều đề nghị cơ quan này cần được Đảng lãnh đạo trực tiếp.
ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) nhận định: “Nếu không có cơ chế hợp lý thì hiệu quả PCTN vẫn vậy”. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng nên để ban chỉ đạo PCTN do Tổng Bí thư đứng đầu, phó trưởng ban chỉ đạo là trưởng Ban Nội chính Trung ương. Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) là ĐB phác thảo mô hình khá hoàn chỉnh cho Ủy ban Quốc gia về PCTN. Theo ĐB Nghĩa, Ủy ban Quốc gia về PCTN là cơ quan tối cao trong công tác này, trực thuộc cơ quan quyền lực cao nhất, có quy chế đặc biệt, trực thuộc và chịu trách nhiệm trước QH nhưng không tương đương hay giống như các ủy ban của QH. Ủy ban này có bộ máy riêng, có bộ phận điều tra riêng, chịu sự giám sát và chất vấn của Ủy ban Thường vụ QH, của các ủy ban và các ĐBQH trong các kỳ họp. ĐB Nghĩa cũng đề xuất QH bầu ĐB Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về PCTN. Bởi Tổng Bí thư vừa là người phụ trách cao nhất công tác PCTN của Đảng vừa có bộ máy tham mưu của Đảng là Ban Nội chính, vừa có bộ máy Nhà nước thực hiện chức năng PCTN. “Việc Đảng trực tiếp lãnh đạo PCTN như vậy là chính danh và hợp pháp” - ông Nghĩa nhìn nhận.
Khai thác thế mạnh báo chí Nhìn công tác PCTN ở một góc độ khác, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chia sẻ nhìn lại 6 năm qua, việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả. Nào là kế hoạch tác chiến hoành tráng, lực lượng ra quân rất hùng hậu, vậy mà khi lâm trận, súng nổ rất to mà không ai bị sát thương. Thừa nhận phần lớn vụ việc tham nhũng là do báo chí và người dân phát hiện, lẽ ra phải khai thác thế mạnh này thì luật lại quy định cơ quan báo chí có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người đứng đầu VKSND, như vậy giống như ứng xử với người dưới quyền, trong khi không hề có biện pháp bảo vệ an toàn cho nhà báo. “Lẽ ra, phải là sự cộng tác có trách nhiệm thì lại đưa ra ràng buộc khiến nhà báo cảm thấy tốt nhất là đừng chống tham nhũng. Như vậy, vũ khí sắc bén là báo chí thay vì được mài cho sắc thì ta lại bị giũa cho cùn” - ông Quốc nhận định. Tán đồng với quan điểm này, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng không có cơ chế giám sát thì PCTN sẽ thất bại, vì thế cần đề cao vai trò của MTTQ, đoàn thể xã hội và báo chí. “Luật khuyến khích báo chí PCTN nhưng lại thiếu cơ chế để họ thực hiện. Song song với phát huy vai trò PCTN của dư luận và báo chí, cần có cơ chế để bảo vệ họ, cần khen thưởng những quần chúng, phóng viên phát hiện tham nhũng” - ông Hùng nói. |
Bình luận (0)