xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần cứng rắn hơn về biển Đông

Thế Dũng thực hiện

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhấn mạnh như vậy khi đề cập việc Quốc hội đồng ý bổ sung báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông vào chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Phóng viên: Tại phiên họp trù bị của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Anh Sơn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông và được chấp thuận. Quan điểm của ông ra sao?

 

img

 

- Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Trước hết, phải hết sức hoan nghênh đề nghị của đại biểu Nguyễn Anh Sơn và đề nghị của ông cho thấy rõ Quốc hội chưa quan tâm đúng mức, chưa sâu sát với nguyện vọng của người dân là muốn được biết thật đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình biển Đông, đặc biệt là vấn đề Trung Quốc ồ ạt xây dựng và có nhiều hành động trái luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền Việt Nam. Từ đó, người dân càng muốn biết thái độ, hành động, phương án đối phó của nhà nước ta đối với tình hình trên biển Đông ra sao.

Nhưng cũng rất mừng là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý với đề xuất của ông Nguyễn Anh Sơn. Một trong những lý do mà ông Sơn đưa ra cùng với đề nghị của mình đó là đại biểu Quốc hội phải nắm được tình hình để báo cáo trước dân, đáp ứng những bức xúc, lo lắng của người dân.

Những thông tin được Chính phủ báo cáo chắc chắn là thông tin chính thống nên phải công khai, chứ không giữ một phần rồi gây bức xúc, hoang mang cho người dân. Các cơ quan có trách nhiệm lẽ ra đã phải nhạy cảm nắm bắt được tình hình để kịp thời tham mưu, đề xuất phương án thông tin, tuyên truyền cho kịp thời nhất, không để tình hình thành bức xúc để rồi đại biểu phải lên tiếng đề nghị.

Nhưng nội dung báo cáo của Chính phủ chỉ diễn ra trong khoảng 1 giờ vào cuối buổi chiều 5-6 và đây lại là “phiên họp riêng” không có báo chí tham dự?

- Tôi không đồng ý việc Quốc hội họp riêng về tình hình biển Đông, bởi đã quyết định việc thông báo cho toàn bộ đại biểu Quốc hội về tình hình là nhằm thông báo với dân. Ngoài ra, đây là vấn đề đang rất nóng nên phải cho các phương tiện thông tin đại chúng tham dự để kịp thời tuyên truyền, phổ biến thông tin. Nếu để đại biểu truyền đạt thông tin đến với dân thì phải chờ hết kỳ họp này (ngày 26-6) và đi tiếp xúc cử tri, khi đó thông tin đến với người dân đã quá muộn.

Qua sự việc này, tôi kiến nghị các cơ quan ngoại giao, quản lý truyền thông nhà nước nên có chủ động chỉ đạo đưa thông tin đến người dân. Cũng vì người dân không nắm bắt được tình hình nên họ mới phải tin, nghe vào những thông tin khác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói: “Nếu cơ quan truyền thông nhà nước không kịp thời đưa thông tin, bỏ trống mặt trận thì người dân sẽ tìm đến thông tin trên các trang mạng”. Cứ nghe thông tin như vậy thì tình hình còn phức tạp và nguy hiểm hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý câu chuyện trên biển Đông là một bài toán khó về ngoại giao. Chúng ta luôn mong muốn một môi trường yên ổn, hòa bình để tập trung cho phát triển đất nước. Về nguyên tắc, chúng ta đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xây dựng, bồi đắp đảo trái phép ở Trường Sa. Nhưng về quan hệ ngoại giao, chúng ta cần có cái nhìn phù hợp với lợi ích chung, bảo đảm không bị một nước nào độc chiếm, bảo đảm quyền lợi sử dụng chung của thế giới như hàng hải, hàng không quốc tế… Còn hình thức phát biểu thì phải nhất quán bảo vệ chủ quyền đất nước cùng với mong muốn hòa bình của Việt Nam, đồng thời phải giải tỏa nhưng lo lắng, bức xúc của người dân. Lẽ dĩ nhiên, ngoại giao thì phải tế nhị, nhất là trên một không gian không quá lớn, có lợi ích sát sườn của chúng ta lại có sự xuất hiện của nhiều nước lớn.

 

Tàu kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ ở Trường Sa Ảnh: Lương Duy Cường
Tàu kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ ở Trường Sa Ảnh: Lương Duy Cường

 

Việt Nam và Trung Quốc gần đây có nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao và đều có những tuyên bố, thống nhất không làm căng thẳng thêm tình hình, không vi phạm quyền và lợi ích của hai bên nhưng trên thực tế, Trung Quốc vẫn không ngừng tôn tạo, trang bị hiện đại tại một số đảo ở Trường Sa...

- Người dân Việt Nam qua trải nghiệm của mình hiểu rằng ứng phó với Trung Quốc là rất khó vì họ luôn “giữa nói và làm không giống nhau”. Người dân lo lắng liệu chúng ta có bị rơi vào cái bẫy mà Trung Quốc giăng ra? Phía trên Trung Quốc xoa dịu, miệng nói hữu nghị nhưng hành động luôn vì lợi ích, tham vọng bá quyền. Bản chất này của họ không chỉ Việt Nam mà các nước, cả khu vực đều thấy quá rõ. Ứng phó của chúng ta với Trung Quốc đúng là không hề dễ dàng.

Vì vậy, vào thời điểm này, đối ngoại rất quan trọng nhưng đối nội cũng quan trọng không kém. Trong có yên ấm thì mới đủ sức mạnh, đoàn kết để chống được sự xâm lấn bên ngoài. Không có cách nào khác là chúng ta phải làm cho mọi người dân hiểu, chia sẻ được tình hình và chủ trương của nhà nước để họ tin vào đối pháp của nhà nước có bài bản; hình thức có thể mềm mỏng nhưng rất kiên định trong lập trường, quan điểm.

Cha ông ta thường nhắc đến nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nhưng muốn ứng biến thì phải có được lòng tin của dân, chứ để dân ngơ ngác, không hiểu ra sao thì rất nguy hiểm.

Nhiều đại biểu cho rằng năm 2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, nay còn hành động bạo ngược hơn nữa khi không ngừng củng cố đảo, trang bị khả năng quốc phòng hiện đại ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Do đó, Quốc hội cần phải tỏ thái độ rõ ràng hơn như ra một nghị quyết, chứ không phải một thông cáo như năm trước... Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Giàn khoan đi vào rồi sẽ đi ra nhưng việc tôn tạo đảo nhân tạo thì nguy hiểm, nghiêm trọng hơn rất nhiều. Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng hơn thì Quốc hội Việt Nam tất yếu phải thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn, đây là thái độ của nhân dân. Còn cụ thể thái độ như thế nào thì các nhà lãnh đạo hãy cân nhắc một cách đúng đắn nhất.

Mặc dù đây là biểu hiện ngoại giao, cần tế nhị, mềm dẻo để đạt được lợi ích cao nhất nhưng tế nhị thế nào thì cũng phải đạt được yêu cầu số một là để người dân tin được và yên tâm.

 

Quốc hội thảo luận điều 60 Luật BHXH

Bước sang tuần làm việc thứ 2, từ ngày 25 đến 29-5, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp. Cụ thể, Quốc hội nghe và cho ý kiến về các dự án luật như Bộ Luật Hình sự (sửa đổi); Luật Thống kê (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Phí, lệ phí; Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Trưng cầu ý dân.

Nội dung đáng chú ý khác trong tuần này là Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về điều 60 của Luật BHXH năm 2014; thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Quốc hội cũng cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh khóa XIII và năm 2015. Quốc hội cũng thảo luận và bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo