Thực hiện chương trình công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, từ ngày 29-11 đến 3-12, UBND TP Đà Nẵng tổ chức các hội thảo góp ý báo cáo 5 chuyên đề, trong đó TP Đà Nẵng đã có những kiến nghị sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992 để xác định cụ thể về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND, chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND các cấp; đề nghị có những quy định mới và cụ thể về mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Theo báo cáo chuyên đề của UBND TP Đà Nẵng, đề nghị Hiến pháp sửa đổi cần phải làm rõ khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền thành thị, trong đó quy định rõ chính quyền đô thị là một cấp chính quyền hoàn chỉnh, gồm cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương (HĐND) và cơ quan chấp hành, hành chính tại địa phương.
Cấp hành chính trung gian là huyện, quận, phường, chỉ có cơ quan hành chính tại địa phương (không có HĐND) tổ chức thực hiện một số chức năng quản lý của chính quyền cấp trên. Tại các xã là một chính quyền hoàn chỉnh. Hiện TP Đà Nẵng còn 11 xã, tuy nhiên tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại các xã gần trung tâm huyện lỵ của huyện Hòa Vang (Hòa Nhơn, Hòa Khương...). Như vậy, khu vực phi đô thị hóa của TP Đà Nẵng chỉ còn không quá 5 xã, với dân số chiếm khoảng 4,3% dân số cả TP, nên đề nghị Trung ương cho thí điểm không tổ chức HĐND xã nhằm tạo sự chỉ đạo quản lý điều hành trên địa bàn được thống nhất, tránh tình trạng trong một đô thị có 2 mô hình quản lý.
Một văn phòng cơ quan hành chính cấp quận tại TP Đà Nẵng
TP Đà Nẵng cũng đề nghị đổi tên gọi UBND thành ủy ban hành chính (UBHC). Điều 123 Hiến pháp cần được sửa đổi theo hướng quy định cụ thể về địa vị pháp lý của UBHC. Trên cơ sở điều chỉnh của Hiến pháp năm 1992 sẽ tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quy định tại Luật Tổ chức HĐND, UBND năm 2003 theo hướng đổi UBND các cấp hiện nay thành UBHC các cấp và phân định rõ UBHC và HĐND cụ thể như sau: Đối với chính quyền đô thị: Chỉ có HĐND TP, các quận, huyện, phường có chủ tịch UBHC do chủ tịch UBHC cấp trên bổ nhiệm.
Đối với chính quyền nông thôn: Tỉnh và xã có HĐND, UBHC tỉnh, huyện, xã. Cấp huyện, phường không có HĐND.
Theo mô hình trên thì HĐND cấp nào sẽ bầu ra thủ trưởng UBHC cấp đó. HĐND tỉnh bầu ra chủ tịch UBHC tỉnh; HĐND TP bầu ra thị trưởng; HĐND xã bầu ra chủ tịch UBHC xã. Thị trưởng, chủ tịch UBHC chịu trách nhiệm trước HĐND của cấp mình. HĐND có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thị trưởng, chủ tịch UBHC cùng cấp.
Chủ tịch quận, huyện, phường do chủ tịch UBHC cấp trên bổ nhiệm. Đề nghị quy định cụ thể thẩm quyền của chủ tịch UBHC, chủ tịch HĐND làm cơ sở pháp lý cho việc quy định địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của các chức danh này trong Luật Tổ chức HĐND, UBND năm 2003 vì thực tế triển khai cho thấy việc xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân trong nhiều trường hợp vẫn chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ:
Nước ta từng có mô hình này
Trong chương trình cải cách hành chính Nhà nước tổng thể đã có đề xuất về đổi tên UBND các cấp thành UBHC và ý tưởng này đã có từ chục năm nay. Thực tế mô hình UBHC của chính quyền đô thị đã có ở nước ta trong giai đoạn 1946 đến 1959. Đề xuất của Đà Nẵng là rất mạnh dạn và có lẽ đã hiểu rõ nhiều vướng mắc trong chính quyền đô thị hiện nay.
Còn về chức danh thị trưởng thì cũng chỉ là tên gọi khác, thay vì là chủ tịch UBND vì cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Hơn nữa ở Việt Nam vẫn còn mô hình HĐND ở cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; phía dưới là TP, thị xã thuộc tỉnh; thị trấn, xã vẫn còn HĐND nên có lẽ chức danh thị trưởng vẫn chưa thể sớm được.
Về phương diện quản lý đô thị thì mô hình này rất khoa học và được nhiều nước áp dụng. Có điều, các nước họ khác chúng ta một chút như gọi là tỉnh trưởng, thị trưởng thay vì chủ tịch UBHC. Đặc biệt, với cơ chế người đứng đầu chịu hoàn toàn trách nhiệm thì sẽ tạo điều kiện lựa chọn được người tài giỏi, có đạo đức và mới là mảnh đất để “văn hóa từ chức” hiện hữu.
T.Dũng ghi |
Bình luận (0)