Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh vừa có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 gửi đến kỳ họp Quốc hội thứ 10 khóa XIII.
Không cân đối được nguồn thanh toán
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Giai đoạn 2011-2015, do tác động của suy giảm kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 5.617,9 ngàn tỉ đồng, bằng 31,2% GDP, không đạt kế hoạch đề ra. Đầu tư công trong 5 năm qua chưa khắc phục được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch nhưng không cân đối được nguồn thanh toán. Một số bộ, ngành địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, chưa có các giải pháp khắc phục hiệu quả. Ngoài ra, tình trạng ỷ lại vào nguồn vốn của nhà nước, nhất là ngân sách trung ương chưa khắc phục...
Đồ họa: FƯƠNG ANH
“Một số bộ, ngành và địa phương vẫn đề xuất khởi công các dự án trong khi chưa cân đối đủ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu.
Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, dự kiến huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 10.506 ngàn tỉ đồng, chiếm khoảng 31% GDP. Riêng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) dự kiến ký kết khoảng 30 tỉ USD, giải ngân khoảng 27 tỉ USD. Vốn ODA một phần được cân đối trong ngân sách nhà nước (NSNN), một phần được sử dụng cho vay lại thông qua kênh vốn tín dụng đầu tư phát triển của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức khác.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 5 năm tới do các bộ, ngành trung ương và địa phương đề xuất khoảng 3.710 ngàn tỉ đồng, gấp 19 lần kế hoạch năm 2015, gấp 2,2 lần khả năng cân đối vốn giai đoạn 2016-2020. Trong đó, vốn trong nước khoảng 2.780 ngàn tỉ đồng, gấp gần 16 lần; vốn nước ngoài khoảng 927 ngàn tỉ đồng, gấp 46 lần kế hoạch năm 2015.
Căn cứ khả năng cân đối thu chi NSNN và định hướng vay và trả nợ công, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 ở mức 1.679 ngàn tỉ đồng.
Ưu tiên cho quốc phòng, giao thông
Chính phủ cho rằng trong phương án phân bố vốn cụ thể, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án lớn quan trọng, làm thay đổi lớn bộ mặt hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó đã bảo đảm bố trí vốn đầu tư cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; bố trí đủ vốn cho Bộ Giao thông Vận tải (tăng gấp trên 25 lần kế hoạch năm 2015)...
Chính phủ nhìn nhận do cân đối NSNN còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư NSNN còn hạn chế. Tổng mức vốn ngân sách trung ương trung hạn 2016-2020 (vốn trong nước) chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đầu tư của cả nước. Trước tình hình này, Chính phủ trình Quốc hội (QH) cho phép phát hành 200.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành 17 dự án quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế và dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La…
Trong báo cáo đưa ra 2 nhóm giải pháp lớn. Một là nhóm giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại chi tiêu của NSNN theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, giảm các khoản chi thường xuyên... Hai là nhóm giải pháp tăng cường quản lý đầu tư công trong 5 năm 2016-2020.
Tuần này thảo luận nhiều dự luật quan trọng
Từ ngày 9 đến 14-11, kỳ họp QH thứ 10 bước vào tuần làm việc thứ 4.
Theo đó, QH sẽ dành thời gian thảo luận nhiều dự án luật quan trọng như: Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Đấu giá tài sản; Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin; Luật Phí, lệ phí; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Báo chí (sửa đổi)...
Bình luận (0)