Ngày 3-6, tại TPHCM, Bộ Xây dựng và UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị góp ý về thực hiện Nghị định 71/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Chỉ định hay đấu thầu đều khó
Theo Sở Xây dựng TPHCM, từ tháng 10-2010 (thời điểm Thông tư 16 có hiệu lực), đến nay đã nhận được 72 hồ sơ đăng ký làm chủ đầu tư (chủ yếu là xin được chỉ định làm chủ đầu tư), đã thẩm định trình UBND TP 17 hồ sơ, trong đó có 5 hồ sơ đã được phê duyệt và triển khai thực hiện.
Nhiều dự án nhà ở đang xây dựng ven đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng nhận được 27 hồ sơ dự án xin chủ trương đầu tư, trong đó có 12 dự án được UBND TP chấp thuận và đã triển khai. Sự ra đời của Nghị định 71 với những quy định minh bạch về đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư đã hạn chế được trường hợp các nhà đầu tư xin quá nhiều dự án nhưng thực hiện dàn trải hoặc đem chuyển nhượng, hạn chế việc phát triển các dự án nhỏ lẻ, manh mún không kết nối được hạ tầng… Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, những thuận lợi này không tương xứng với rất nhiều khó khăn đang khiến TP lúng túng trong công tác chỉ định hay đấu thầu kêu gọi đầu tư.
Điều 13 của Nghị định 71 quy định chỉ có nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp mới được chỉ định đầu tư. Song, trên thực tế TPHCM có các doanh nghiệp có hợp đồng góp vốn của người sử dụng đất hoặc đã chuyển nhượng, thỏa thuận đền bù một phần cho các hộ dân. Ông Nguyễn Đình Lễ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc 30-4, nêu ví dụ doanh nghiệp đã thỏa thuận bồi thường được một phần dự án, nếu người trúng thầu không phải là doanh nghiệp này thì sẽ rất khó khăn trong việc thương lượng bồi thường về sau.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn TPHCM có rất nhiều nhà đầu tư “đi tắt đón đầu” bằng cách thăm dò và thỏa thuận đền bù được một phần mới xin chủ trương đầu tư. Vì thế, Sở Xây dựng đề xuất cho các doanh nghiệp trong trường hợp này được chỉ định làm chủ đầu tư nếu bảo đảm năng lực thực hiện dự án.
Đối với các hồ sơ xin chủ trương đầu tư do các chủ đầu tư đề xuất, để được chấp thuận, hồ sơ này phải bảo đảm quy hoạch được phê duyệt. Việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư cũng cần phải công bố các thông tin cơ bản liên quan đến đấu thầu: quy hoạch, kiến trúc, số lượng loại nhà ở… tức là vị trí khu đất phải có quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, các quy định này đối với TPHCM là không khả thi vì thực tế mới chỉ “phủ” được 40% quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết 1/2.000), chủ yếu mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ quy hoạch chi tiết.
Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị trong giai đoạn 2011- 2015, đối với những khu vực chưa được phê duyệt quy hoạch 1/2.000 thì cơ sở pháp lý để xem xét bảo đảm quy hoạch được duyệt là nhiệm vụ quy hoạch hoặc chứng chỉ quy hoạch, giấy phép quy hoạch do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Đừng để trả giá vì thiếu quy hoạch
Hiện nay, việc bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ được thực hiện sau khi dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc sau khi được phê duyệt dự án đầu tư. Theo Sở Xây dựng và các công ty địa ốc, quy định này sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư trong trường hợp cần điều chỉnh ranh đất và diện tích đất của dự án khi quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn (trường hợp này rất phổ biến tại TP hiện nay) vì phải lập lại từ đầu toàn bộ thủ tục, sẽ gây mất thời gian. Do đó, Sở Xây dựng đề xuất cho bước lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 nên thực hiện sau bước giải phóng mặt bằng.
Quy hoạch không chỉ để kêu gọi đầu tư mà để quản lý và phát triển bền vững, nếu thực hiện sai quy hoạch thì không thể nào sửa chữa được. |
Thế nhưng, đề xuất này đã bị ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, phản đối. Theo ông Hà, tinh thần của Nghị định 71 và Thông tư số 16 lấy quy hoạch làm nền tảng để triển khai các chương trình phát triển nhà ở, Luật Nhà ở cũng đã quy định quy hoạch phải đi trước một bước nhưng hiện nay các địa phương lại thực hiện quy hoạch khá chậm.
Để tháo gỡ tình hình, địa phương phải đẩy nhanh việc lập và phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2.000, 1/500. “TP Hà Nội đang phải trả giá cho việc chậm quy hoạch: nhà biệt thự, nhà liên kế bỏ hoang vì không ai sử dụng… TPHCM chắc còn nhiều hơn thế. Quy hoạch không chỉ để kêu gọi đầu tư mà để quản lý và phát triển bền vững, nếu thực hiện sai quy hoạch thì không thể nào sửa chữa được. Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản vẫn giữ quan điểm không chấp thuận chủ trương đầu tư khi chưa có quy hoạch chi tiết 1/500”- ông Hà khẳng định.
Linh động trong trích quỹ đất
Cùng lo ngại về việc đầu tư phá vỡ quy hoạch, các đại biểu đã bày tỏ ý kiến về quy định các dự án quy mô trên 10 ha phải trích 20% diện tích đất trong dự án làm nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho rằng việc trích 20% phải tùy dự án, nếu một dự án cao cấp với nhà ở thấp tầng, cảnh quan đẹp lại chen vào một, hai khu nhà ở xã hội cao tầng sẽ phá nát quy hoạch kiến trúc, chưa kể những người thu nhập thấp sống trong những căn nhà ở xã hội đó sẽ không chịu nổi chi phí trong một khu nhà ở cao cấp.
Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu theo hướng chỉ trích quỹ đất nếu phù hợp quy hoạch kiến trúc, nếu không có thể cho phép chủ đầu tư hoán đổi vị trí đất phù hợp quy bằng tiền phần trích đóng vào quỹ phát triển nhà ở xã hội của địa phương. |
Bình luận (0)