Các xã Măng Ri, Ngọc Lây và Tên Xăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) nằm dưới chân núi Ngọc Linh được xem là thánh địa của loài sâm quý Ngọc Linh.
“Không còn sâm rừng nữa đâu”
Xã Măng Ri cách trung tâm TP Kon Tum gần 100 km. Toàn xã có 6 làng của người đồng bào dân tộc Xê Đăng nằm trong thung lũng được bao quanh bởi hệ thống các ngọn núi thuộc dãy Ngọc Linh.
Biết chúng tôi ngỏ ý mua sâm Ngọc Linh, ông A Tôn, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết các hàng quán ở đây đều có sâm bán nhưng chỉ là sâm dây (Hồng Đẳng sâm). “Không còn sâm rừng nữa đâu, nếu có thì chỉ là sâm trồng của bà con thôi nhưng cũng hiếm lắm, coi chừng mua phải sâm giả”.
Theo ông A Lái - Trưởng thôn Chung Tam, xã Măng Ri - nghe nhiều người kể và đã lên rừng tìm sâm nhưng lần nào cũng thất vọng trở về. “Cha tôi cho biết khoảng hơn 15 năm trước, sâm nhiều lắm. Có chuyến đi rừng ông lấy được cả bao tải về để đun nước uống cho khỏe người. Sâm rừng nhiều đến nỗi gần như nhà nào cũng có hàng bao tải phơi khô” - ông A Lái kể.
Ông Nguyễn Thành Long, Ủy viên thư ký kiêm Chánh Văn phòng huyện Đắk Tô, kể lại rằng ngày trước, sâm Ngọc Linh, được gọi là sâm Khu 5, có rất nhiều chứ không như bây giờ. “Nhiều lần vào trong các làng nằm dưới chân núi công tác, tôi hỏi xin hay đổi áo mưa, áo vải cho bà con thì đều được. Nếu mua chỉ 10 đồng một mũ cối đầy sâm khô” - ông Long nói.
Đã từng có 5 năm buôn bán các loại hàng hóa ở dưới chân núi Ngọc Linh, anh Nguyễn Văn Chiến (quê Nam Định) thẳng thắn: “Quán tôi không có sâm Ngọc Linh, chỉ sâm dây thôi. Các quán khác cũng vậy. Trước đây, thỉnh thoảng có người đi rừng kiếm được sâm Ngọc Linh mang ra bán nhưng giờ cả năm không mua được, nếu có thì chỉ một vài củ nhỏ bằng ngón tay”. Anh Chiến cho biết mỗi lần kiếm được sâm Ngọc Linh rừng mang bán, bà con đều lén lút như sợ bị người khác phát hiện.
Để phân biệt sâm Ngọc Linh giả, anh Chiến chỉ: “Sâm Ngọc Linh giả có 7 lá kép, sâm thật thì chỉ 5. Thân của cây giả nhợt, hơi tím hơn sâm Ngọc Linh thật. Phần củ thì sâm giả mắt tròn, dài, mọng và bóng; sâm Ngọc Linh thật ngắn, mắt to, chắc... Sâm Ngọc Linh thật khi ăn có vị đắng và ngọt; còn sâm giả rất khé cổ, khó nuốt”.
Giúp bà con thoát nghèo
Hiện tại, toàn huyện Tu Mơ Rông đã trồng được 178,8 ha sâm Ngọc Linh. Trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô 7,84 ha; doanh nghiệp tư nhân 169 ha, còn lại của một số hộ dân tự trồng. Ngoài loại cây này, chính quyền huyện Đắk Tô còn phát triển trồng cây sâm dây thêm khoảng 25 ha bằng nguồn vốn hỗ trợ sự nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân đã tự gieo trồng loại sâm dây và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Y H’lạng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Măng Ri, cho biết gia đình đang trồng gần 2 ha sâm dây. Một ký sâm dây tươi có giá 70.000-100.000 đồng và 550.000 đồng/kg sâm dây khô. Sâm dây có thể trồng xen kẽ cùng các loại cây khác nên một diện tích trồng được 2 loại cây. Sâm dây gieo trồng bằng hạt hoặc củ, rất dễ sống, thời gian cho thu hoạch khoảng 3 năm. Đặc biệt, sâm dây không có mùa, có thể thu hoạch bất cứ khi nào.
“Ngoài nguồn thu từ củ sâm, năm ngoái, gia đình tôi bán được gần 2 tạ quả với giá 300.000 đồng/kg cho phòng nông nghiệp huyện để làm giống. Với số tiền kiếm được, tôi lo cho cả gia đình, trong đó có 2 đứa con đang đi học” - bà Y H’lạng hồ hởi. Theo ông A Tôn, cả xã có 80% các hộ dân trồng sâm dây, đây là loại cây giúp bà con thoát nghèo.
Ông A Hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết người dân các xã Ngọc Lây, Xê Tăng, Măng Ri đang trồng cả sâm Ngọc Linh và sâm dây nhưng thống kê chính xác diện tích thì rất khó bởi họ giấu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. “Ngay cả A Blum, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, cũng trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây nhưng không nói. Khi mình hỏi thì A Blum mới thừa nhận” - ông A Hơn kể.
Kỳ tới: Đắt xắt ra miếng
Đầu tư hơn 567 tỉ đồng để bảo tồn
Theo những người dân, hiện nhiều thương lái thu mua cả lá sâm Ngọc Linh với giá 700.000 đồng/kg về phơi khô để nấu nước uống hoặc ngâm rượu. Lá sâm Ngọc Linh chủ yếu lấy từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô, doanh nghiệp tư nhân và một phần diện tích được người dân gieo trồng. Mỗi năm, sâm Ngọc Linh có thể cho thu hoạch một lần lá duy nhất vào tháng 9 hoặc 10.
UBND tỉnh Kon Tum cho biết đã triển khai dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh từ nay đến năm 2022 với tổng vốn đầu tư trên 567 tỉ đồng. Dự án đầu tư khoa học công nghệ để xây dựng và hoàn thiện quy trình nhân giống dự kiến từ 4-5 triệu cây giống/năm; mở rộng diện tích trồng sâm đến năm 2022 sẽ đạt từ 800-1.000 ha. Bên cạnh đó, dự án còn hoàn thiện quy trình công nghệ, xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm sâm Ngọc Linh. Dự án còn đưa ra giải pháp để xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm sâm Ngọc Linh và được bảo hộ trên thế giới; bảo vệ và chống hàng giả cho thương hiệu sâm.
Bình luận (0)