Xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam được xem là “thánh địa” của cây sâm Ngọc Linh. Tuy ở thâm sơn cùng cốc, chưa có đường giao thông nối với trung tâm huyện nhưng nơi đây có rất nhiều tỉ phú. Nhờ vào nguồn lợi từ cây sâm Ngọc Linh, mỗi đợt thu hoạch sâm, nhiều gia đình thu về hàng tỉ đồng.
Giấu sâm như giấu của
Từ trung tâm huyện Nam Trà My, chúng tôi ngược xe máy lên điểm Trường Tiểu học Ngọc Linh (xã Trà Linh). Từ đây, chúng tôi chỉ có thể gửi xe máy để leo lên những con dốc dài mà mỗi bước chân là một lần đầu gối chạm mặt. Con đường mòn xuyên qua những vạt cỏ lau cao quá đầu người, thi thoảng lại len lỏi giữa những tán rừng và những ruộng bậc thang xanh ngắt. Sau gần nửa ngày cuốc bộ trên những tầng mây trắng, chúng tôi có mặt ở Trà Linh với đôi chân rã rời, mồ hôi rịn đẫm áo.
Hỏi đường đến vùng trồng sâm, bà con dân tộc Xê Đăng đều lắc đầu: “Không có cán bộ dẫn đường thì các anh không lên được đâu. Ở đây không một ai nói cho người lạ biết mình trồng bao nhiêu sâm cả. Họ giấu kỹ lắm! Hơn nữa, muốn đi vào chỗ trồng sâm cũng mất thêm vài giờ đi bộ nữa” - già làng Trần Xuân Đoàn tiết lộ.
Ở đỉnh Ngọc Linh, ông Hồ Văn Du (nóc Măng Lùng, thôn 2, xã Trà Linh, nguyên Trại phó Trại dược liệu sâm Trà Linh) được người dân đồn là giàu có nhất xã nhờ trồng sâm. Ngoài ra còn có anh Hồ Văn Lượng, một đại gia sâm mới nổi lên ở Trà Linh.
Tiếp chúng tôi khi đang chuẩn bị vào rừng canh giữ sâm, anh Lượng cho biết nhà nghèo nên từ nhỏ, anh đã qua tỉnh Kon Tum làm thuê kiếm sống. Khi sâm Ngọc Linh được giá, anh cùng mọi người vào rừng đào bới để bán. Đến lúc nguồn sâm tự nhiên cạn kiệt, anh và người dân chuyển qua trồng sâm. Sẵn chút kinh nghiệm trồng sâm học hỏi ở Kon Tum, anh đưa vợ về Măng Lùng bắt đầu gầy dựng vườn sâm.
Mang ra một hũ rượu ngâm chật củ sâm mời chúng tôi uống, anh Lượng tỏ ra niềm nở nhưng lại lảng tránh chuyện vườn sâm và số lượng. Chỉ khi rượu vào lời ra, đại gia này mới bắt đầu tiết lộ hiện anh trồng hơn 1.000 gốc sâm 9 năm tuổi, 3.000 gốc 6 năm tuổi.
Chỉ tay vào củ sâm nhỏ bằng ngón tay út, anh Lượng cho biết giá củ sâm này “bèo” nhất cũng hơn 1 triệu đồng. “Ba gốc sâm cho 1 lạng, loại này có giá 30 triệu đồng/kg, loại nhỏ hơn thì từ 15-20 triệu đồng/kg. Vì giá cao nên rất dễ bị mất trộm. Người trồng sâm ở đây đều phải tuân “luật” nghiêm ngặt, những người lạ mặt như các anh thì không được vào đâu” - anh Lượng thổ lộ.
Với lượng sâm khổng lồ trên, quả là không sai khi bảo anh Lượng là một trong những tỉ phú của núi rừng Ngọc Linh. Người ở Măng Lùng kể vườn sâm của anh rộng lắm, hiện thuê đến 7 người ngày đêm canh giữ.
Khẩu vị của nhà giàu
Trước đây, anh Lượng thường bán sâm cho thương lái nhỏ lẻ nhưng sau này chỉ cung cấp cho các đối tác làm ăn ở Hà Nội, TP HCM. “Nhà ai có nhiều sâm thì sẽ giàu có. Ở nơi đây mình giữ uy tín, không có chuyện gian dối nên buôn bán rất thuận lợi” - anh Lượng tiết lộ bí quyết làm giàu.
Theo anh Nguyễn Hà - một người kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - do giá sâm quá cao nên sản phẩm của anh chủ yếu cung cấp cho những người giàu có. Để bảo đảm chất lượng, chỉ khi khách hàng có nhu cầu, anh mới đặt hàng từ Nam Trà My đưa xuống. Sâm Ngọc Linh dao động giá tùy thuộc độ tuổi. Loại cao nhất là sâm lâu năm giá từ 55-70 triệu đồng/kg nhưng rất hiếm. Loại thường 10 củ/kg giá trên 40 triệu đồng, loại 20 củ/kg khoảng 30 triệu đồng. Thấp nhất là loại từ 40-60 củ/kg có giá 15 triệu đồng. Tuy nhiên, phải mất 2-3 ngày, người dân mới gom đủ sâm để cung cấp cho khách hàng.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết sâm Ngọc Linh có nhiều công dụng nhưng trồng với số lượng khiêm tốn nên dường như chỉ người giàu mới tiếp cận được. Do thiếu ăn trong những tháng giáp hạt, nhiều hộ gia đình nhổ bán sâm non khi chưa đến tuổi khai thác dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, tình trạng mất trộm sâm trong người dân thường xuyên xảy ra, nhiều hộ tự nhổ bán làm cạn kiệt nguồn cây giống.
Nhận thấy địa phương được ưu ái bằng loại cây quý hiếm này, mới đây, huyện Nam Trà My đã trình UBND tỉnh Quảng Nam xem xét để trình lên trung ương dự án quốc gia về phát triển cây sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) tại huyện Nam Trà My và tỉnh Kon Tum.
“Song song với việc mở rộng diện tích trồng cây sâm bằng cách di thực xuống ở địa hình thấp hơn, dự án hướng tới xây dựng thành công thương hiệu sâm Việt Nam. Sản xuất được những mặt hàng công nghiệp có giá trị kinh tế cao từ nguồn nguyên liệu sâm Ngọc Linh để tạo nên dược phẩm đặc hữu của quốc gia và phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau, góp phần phát triển ngành dược và kinh tế của địa phương” - ông Bửu khẳng định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-2
Quảng Nam: Sâm giả hết đất sống
Khác với thủ phủ sâm ở Kon Tum, dường như sâm giả ở Quảng Nam không còn đất sống. Anh Lượng kể trước đây, khi cây sâm sốt giá và người dân vẫn còn mù mờ thì sâm giả có nhiều. Tuy nhiên, từ lúc con của một cán bộ xã Trà Linh bị bắt vì cung cấp sâm giả thì dường như ai cũng sợ, không dám bán hàng giả nữa.
Bình luận (0)