Tại Trường Tiểu học Trần Văn Đang (Q. 3 - TPHCM), phòng truyền thống của trường phải đảm nhận thêm 2 chức năng nữa là phòng học và phòng thư viện. Bên trong phòng truyền thống, ngoài tấm bảng ghi tóm tắt tiểu sử liệt sĩ Trần Văn Đang cùng tấm hình, không có thêm tài liệu nào được trưng bày.
Không biết tìm tư liệu truyền thống ở đâu
Cô Dương Kim Hòa, hiệu trưởng nhà trường, nói trường rất muốn tìm những tài liệu về liệt sĩ Trần Văn Đang nhưng hiện nay chưa biết tìm ở đâu. Các loại sách viết về liệt sĩ mà trường được vinh dự mang tên gần như không có. Do vậy, việc giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh trong trường cũng chỉ dừng lại ở bản tóm tắt hết sức ngắn gọn về liệt sĩ này.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Văn Đang đang đọc tiểu sử anh hùng liệt sĩ Trần Văn Đang tại phòng truyền thống |
Tuy nhiên, cô hiệu trưởng cho biết việc sinh hoạt truyền thống của trường tổ chức rất đều đặn. Trong các buổi chào cờ đầu tuần, trường đều giới thiệu cho các em biết về gương anh hùng liệt sĩ Trần Văn Đang cũng như những gương liệt sĩ khác.
Chúng tôi hỏi ngẫu nhiên 2 học sinh biết gì về anh hùng liệt sĩ Trần Văn Đang, cả 2 trả lời được vắn tắt cuộc đời hoạt động cách mạng của liệt sĩ này.
Theo cô Thái Thị Thanh Nhật, tổng phụ trách đội, đối với học sinh khối 4, 5, mỗi tuần các em còn học 1 tiết học lịch sử. Học sinh tiểu học rất thích nghe giới thiệu về các gương anh hùng, liệt sĩ. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào khả năng truyền đạt của mỗi giáo viên. Cô Nhật cho rằng ở trường học, việc truyền đạt lịch sử cho học sinh bằng những dòng tóm tắt sẽ không đem lại hiệu quả cao. Các em cần được xem phim ảnh về anh hùng, liệt sĩ đó thì mới nhớ lâu nhưng hiện nay những phương tiện học tập như thế chỉ là ước mơ.
Học sinh còn lơ mơ về nhân vật lịch sử
Tại Trường THCS Quang Trung (Q. Tân Bình - TPHCM), hầu hết học sinh đều biết khá đầy đủ về vị anh hùng mà trường vinh dự mang tên. Ông Nguyễn Thanh Sơn, hiệu phó nhà trường, cho biết ngoài phòng truyền thống vẫn thường xuyên mở cửa đón học sinh, trong các ngày lễ lớn, trường đều tổ chức ôn lại tiểu sử và chiến công của các nhân vật lịch sử, trong đó có vua Quang Trung. Ngoài ra, vào ngày 5-1 âm lịch hằng năm, thông qua chương trình ngoại khóa, học sinh của trường tái hiện cảnh vua Quang Trung và binh lính ăn tết sớm, cảnh phá tan quân Thanh xâm lược qua những hoạt cảnh ngắn.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhìn nhận rằng, nhìn chung học sinh ngoài việc biết về nhân vật lịch sử mà trường mang tên, còn về những nhân vật khác thì rất lơ mơ, thậm chí không biết gì. Ông Sơn cũng cho biết, do việc nhìn nhận của xã hội về môn sử là môn phụ nên học sinh học vì bắt buộc chứ chưa hẳn vì muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc.
Cô Trần Thị Kim Cúc, giáo viên sử, cho biết nhà trường có trang bị đèn chiếu, giáo viên dạy theo giáo án điện tử có nhiều âm thanh, hình ảnh động. Tuy nhiên, cô Cúc cũng nhìn nhận việc dạy sử khó hơn các môn khác vì đây là môn phụ nên tâm lý học sinh không muốn học. Số tiết dành cho môn sử trong trường lại ít: lớp 6: 1 tiết/tuần, lớp 7: 2 tiết/tuần, lớp 8, 9: 1,5 tiết/tuần nên giáo viên chỉ lo dạy cho xong khối lượng kiến thức cơ bản, không còn thì giờ mở rộng bài học.
Bình luận (0)