Ngày 22-7, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phiên tòa phúc thẩm (lần hai) vụ án em Tu Ngọc Thạch (SN 1999, học lớp 9; ngụ xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) tử vong sau khi rời trụ sở Công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh.
Cần xác định vị trí vết thương do chai thủy tinh
Tại phiên xét hỏi, HĐXX dẫn lời khai của nhân chứng Võ Thị Lan cho biết nhìn thấy bị cáo Lê Minh Phát (26 tuổi, nguyên công an viên xã Vạn Long) đánh liên tục vào đầu em Thạch. Khi nhân chứng Lan hỏi lý do, Phát cho biết Thạch phạm tội giết người, đang bị truy nã nên phải đánh để bắt rồi lấy còng số 8 còng tay lại. Tại tòa, Phát phủ nhận lời khai nhân chứng, chỉ thừa nhận đánh nhưng không đánh gây chấn thương sọ não với Thạch.
Trong khi đó, bị cáo Lê Tấn Khỏe (SN 1999, ngụ xã Vạn Long) thừa nhận ném vỏ chai nước khoáng bằng thủy tinh vào phía sau đầu nạn nhân khi đuổi theo Thạch làm Thạch ngã về phía trước. Tuy nhiên, khi hòa giải thấy Thạch bình thường nên bị cáo không biết ai gây chấn thương sọ não khiến nạn nhân tử vong. Nhiều nhân chứng khác cũng thấy chai nước trúng vào vùng sau của đỉnh đầu, gần ót, ở phía phải.
Trong khi đó, giám định viên Phạm Xuân Thông khẳng định em Thạch có 4 vết thương trên đầu do vật gây chấn thương sọ não. Trong đó, 2 nguyên nhân dẫn đến tử vong gồm: nguyên phát là gây nứt sọ thái dương phải, chấn thương vùng đỉnh sọ gây dập não; nguyên nhân thứ phát là tụ máu dưới màn cứng thái dương trái, phải. Hình ảnh chụp vùng đầu phía sau của em Thạch khá nhẵn nhụi, không thấy tổn thương. Nếu có là cái chai cũng không gây ra vết thương đến mức chấn thương sọ não, để tụ máu dưới đầu. Ông Thông đề nghị xem xét lại chai thủy tinh trúng vào vị trí nào ở vùng đầu, vị trí tiếp xúc của chai thủy tinh thì mới xác định có gây ra vết thương hay không.
Có dấu hiệu tội giết người
Luật sư Trần Quốc Tuấn, bào chữa cho bị cáo Lê Tấn Khỏe, cho rằng bản án sơ thẩm đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi dùng nguyên tắc truy cứu hình sự đối với một vụ án đồng phạm. Hành vi của bị cáo Khỏe và bị cáo Lê Minh Phát hoàn toàn độc lập. Sai lầm thứ hai là cấp sơ thẩm không chứng minh được hậu quả do hành vi gây ra, do đó không thể kết tội.
“Cơ quan pháp y xác định các vết thương đỉnh đầu, trán, thái dương xảy ra cùng một thời điểm và không thể kết luận vết thương nào là vết thương chính gây nên cái chết. Vậy cơ quan tiến hành tố tụng sơ thẩm căn cứ vào đâu để nói rằng vỏ chai nước gây ra chấn thương sọ não? Không thể suy diễn vỏ chai nước vỡ mà kết tội, cần phải làm rõ để tránh oan sai” - ông Tuấn nói.
Theo đại diện VKSND tỉnh, giám định viên tại phiên tòa khẳng định em Tu Ngọc Thạch tử vong là do vết thương ở vùng thái dương phải và đỉnh đầu. Trong khi đó, cấp sơ thẩm chỉ nêu chung chung hành động bị cáo Khỏe ném chai nước khoáng vào đầu nạn nhân. Những chi tiết này còn mơ hồ nên đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.
Mặt khác, vị đại diện quyền công tố cho rằng nguyên công an xã Lê Minh Phát còng ngược tay cậu bé 14 tuổi, đánh vào mặt, đầu, sườn trong tình trạng bị khống chế. Em Thạch bị Phát đánh liên tục từ khi phát hiện trong bụi cây đến khi về trụ sở UBND xã Vạn Long. Bị cáo Phát từng đoạt huy chương vàng quyền anh tỉnh Khánh Hòa nên hiểu lực đánh khi tức giận sẽ rất mạnh cũng như biết nơi xung yếu của cơ thể... Hành vi của Phát có dấu hiệu của tội giết người mà cấp sơ thẩm chưa làm rõ. Do đó, cần điều tra làm rõ để bảo đảm xử lý vụ án được khách quan, phù hợp với tính chất, mức độ và hành vi gây ra hậu quả của bị cáo Phát.
Ngoài ra, dù không được phân công nhiệm vụ, Phát và Lê Ngọc Tâm (33 tuổi, nguyên công an viên xã Vạn Long) tự ý bắt em Thạch rồi đưa về trụ sở UBND xã tạm giữ, đánh, yêu cầu viết bảo lãnh mới cho về... Như vậy, cấp sơ thẩm chưa truy tố tội “giữ người trái pháp luật”. Theo đại diện VKSND, từ các phân tích trên có thể thấy “Cấp sơ thẩm điều tra, xử lý vụ án không đầy đủ, thiếu căn cứ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được”; do đó cần tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Vạn Ninh để điều tra, truy tố, xét xử lại.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 21 đến 23-3, TAND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt bị cáo Phát 7 năm 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”, 1 năm tù về tội “bắt người trái pháp luật”; bị cáo Tâm bị phạt 1 năm tù cho hưởng án treo về tội “bắt người trái pháp luật” và bị cáo Khỏe 3 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”.
Bình luận (0)