Chưa hết bàng hoàng bởi vụ học sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng ở tỉnh Trà Vinh dùng ghế đánh hội đồng dã man bạn học ngay trong lớp, dư luận cả nước lại phải chứng kiến liên tiếp 2 vụ học sinh đánh nhau với mức độ bạo lực ít người có thể tưởng tượng nổi. Đó là vụ học sinh Trường THCS Phúc Diễn tại Hà Nội xông vào đánh nhau như các băng nhóm ngoài xã hội và học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du tại Hậu Giang bị đánh tới ngất xỉu.
Tình trạng bạo lực học đường đã được đánh động và cảnh báo khá lâu. Tuy nhiên, những vụ học sinh đánh nhau diễn ra dồn dập tới mức độ dã man ở tuổi còn nhỏ như hiện nay khiến mỗi người chúng ta không khỏi giật mình, lo lắng. Vẫn còn non dại lại đang sống trong môi trường được giáo dục - đào tạo gần như suốt ngày mà còn có những hành vi bạo lực như vậy thì sau này ra đời, các em sẽ ứng xử, giải quyết các mâu thuẫn, va chạm trong xã hội ra sao?
Không ai có thể thờ ơ, bàng quan trước tương lai đầy âu lo với tình trạng bạo lực học đường hiện nay. Đã có rất nhiều lý giải, phân tích nguyên nhân khiến bạo lực học đường tới mức báo động như gần đây. Có lẽ không thiếu nguyên nhân nào, từ gia đình, nhà trường cho tới xã hội đều đã được phân tích đầy đủ, thấu đáo từ khá lâu để tìm hướng giải quyết. Thế nhưng, dù nguyên nhân đều đã biết, biện pháp cũng đã được đưa ra song học sinh vẫn cứ tiếp tục đánh nhau.
Giải quyết các vấn đề đã trở thành vấn nạn phải cần các biện pháp mạnh, liệu pháp sốc. Cứ nhìn vào cách thức giải quyết các vụ học sinh đánh nhau có thể thấy đối tượng gần như duy nhất phải chịu chế tài lại chính là học sinh. Học sinh ẩu đả, nhẹ thì bị kiểm điểm, nặng đuổi học, còn giáo viên và nhà trường thì thường “vô can”. Nhà trường thường lập luận học sinh đánh nhau ngoài cổng trường nên không thể quản lý và không có trách nhiệm, đó là trách nhiệm của gia đình và xã hội.
Cần phải nhìn vào thực tế là hầu hết những vụ bạo lực học đường chỉ diễn ra tại các trường còn buông lỏng việc quản lý và giáo dục ý thức cho học sinh. Các vụ việc đáng buồn này rất ít khi diễn ra ở những ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt và “quản” chặt học sinh. Nói cách khác, cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường không thể thoái thác trách nhiệm trước bạo lực học đường. Đó chính là điều mà ông hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng ở Trà Vinh đã nhận thức khi đệ đơn từ chức với lý do bản thân phải chịu trách nhiệm cao nhất trước vụ học sinh của trường đánh bạn.
Đã đến lúc phải có chế tài nghiêm với cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, ban giám hiệu và giáo viên để xảy ra vụ việc học sinh đánh nhau, coi đó là một biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn bạo lực học đường đã tới mức báo động.
Bình luận (0)